Dù dư âm Tết vẫn còn nhưng tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ước tính có khoảng 80% công nhân trở lại làm việc. Tuy nhiên, không vì thế mà thời điểm này các doanh nghiệp tại Đà Nẵng thôi cơn “khát” lao động…
Thiếu lao động vẫn là bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp.
Nhiều “chiêu” để giữ lao động...
Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tại Đà Nẵng, khoảng 60% công nhân đã đi làm vào ngày thứ ba (mồng 6 Tết), những người ở xa thì có mặt điểm danh vào thứ tư, thứ năm (mồng 7 và 8 Tết). Chị Lê Thị Loan (quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là công nhân ở Công ty Dệt may Phong Phú, khu công nghiệp Hòa Khánh hồ hởi: “Ở quê thì hết mồng (hết ngày mồng 9) mới hết Tết, nhưng mình cố gắng đến công ty cho có mặt đúng ngày để đi làm đúng thời gian. Mong trong năm mới, công ty làm ăn hiệu quả để bọn mình được tăng lương và thưởng nhiều hơn”.
Còn tại Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà), khí thế làm việc rất khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Hiện đã có 90% công nhân trở lại làm việc. Một số chưa đến thì có báo cáo do trục trặc tàu xe”. Được biết, năm qua công ty cũng đã thưởng Tết cho mỗi lao động 2 tháng lương (người thấp nhất khoảng 4 triệu đồng, cao nhất khoảng 10 triệu đồng), ngoài ra còn hỗ trợ mua vé xe về quê. Những “ưu đãi” đó cũng khiến người lao động gắn bó với đơn vị và không “nhảy” việc.
Trao đổi với phóng viên, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng phấn khởi: “Năm qua, nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh khá khả quan. Mức sống của người lao động cao hơn nên họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Nếu như những năm trước, tình trạng bỏ việc, nhảy việc vào dịp đầu năm chiếm khoảng 30% trong tổng số lao động, thì năm nay tỷ lệ đó chỉ còn khoảng 5-10%”. Đặc biệt, chiêu “lì xì” vào dịp đầu năm cũng có tác dụng phần nào. Nếu năm ngoái chỉ có số ít thì năm nay khá nhiều doanh nghiệp thực hiện và đã mang lại hiệu quả đáng kể. Ngoài chiêu này, có một số ít đơn vị còn thực hiện cách khác nữa như chưa phát hết lương tháng 1 cho người lao động, tặng quà vào dịp đầu năm... Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH thép Daiwa, Công ty CP ô-tô Trường Hải... còn “ưu ái” công nhân bằng cách cho xe chở về tận quê ăn Tết, không ngoài mục đích “giữ chân” người lao động sau Tết.
Vẫn “khát” lao động?
Tuy không bị hụt nguồn lao động một cách đáng kể sau Tết, nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, không khó để nhận ra các bảng tuyển dụng nhan nhản trước nhiều nhà máy, xí nghiệp. Đại diện Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, đơn vị đang cần tuyển khoảng 250 lao động phổ thông (200 lao động nữ, 50 lao động nam) 5 cán bộ chuyên ngành đại học luật và kế toán tài chính. Còn Công ty Dệt may Phong Phú thì cần tuyển khoảng trên 300 lao động làm việc ở các vị trí chuyền, may, hoàn thành, nhuộm... ưu tiên người có kinh nghiệm. Tại các công ty điện tử như: Foster, Việt Hoa..., số lao động cần tuyển cũng lên đến hàng trăm người để đáp ứng đơn hàng hoặc nhu cầu mở rộng sản xuất. Bởi nguồn cung ít hơn cầu, nên việc các doanh nghiệp “ưu ái” người lao động để giữ chân cũng là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Đức Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng lý giải: “Thật ra, thiếu lao động luôn là bài toán nan giải của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng lâu nay, chứ không phải chỉ bây giờ, tập trung chủ yếu ở các đơn vị dệt may, da giày, điện tử... Nhìn tổng thể, mặc dù chế độ đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp có khả quan hơn, nhưng vẫn chưa thể gọi là cao. Mặt khác, lao động tại Đà Nẵng phần nhiều vẫn là người ngoại tỉnh.
Nhưng hiện nay, các địa phương hầu hết đều có nhiều nhà máy, xí nghiệp thu hút lượng lớn lao động tại chỗ nên lao động đến Đà Nẵng không còn nhiều, trong khi nhu cầu sản xuất, mở rộng nhà xưởng lại khá cao”. Một thực tế dễ nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có kế hoạch dài hơi cũng như sự đầu tư cho nguồn nhân lực. Vì vậy, việc tuyển lao động cũng theo kiểu “mì ăn liền”, phụ thuộc nhiều vào đơn hàng mà đơn vị có được, thiếu tính bền vững. Hơn nữa, người lao động, nhất là công nhân có tay nghề hiện giờ không chỉ cần một chỗ làm ổn định, mức lương khá mà còn cần có sự thăng tiến trong công việc, điều mà ở các doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm.
Bài và ảnh: Phương Trà