.

Gần 200 lao động đầu tiên ở Libya về tới Việt Nam

.
Sáng sớm 26-2, chuyến bay đầu tiên chở gần 200 lao động Việt Nam di tản khỏi Libya đã về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội trong sự chờ đợi của gia đình và doanh nghiệp có lao động đi xuất khẩu.

Mô tả ảnh.
Gần 200 lao động đầu tiên ở Libya đã về tới Việt Nam (Ảnh: Mạnh hùng/Vietnam+)
Trong số 179 người trong chuyến bay đầu tiên về Việt Nam chủ yếu là người lao động của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconex Mec), đơn vị thực hiện chức năng xuất khẩu lao động, đào tạo nghề thuộc Vinaconex.

May mắn được về nước

Đứng ngay trước lối cửa ra, hàng trăm ánh mắt đang dõi vào bên trong khu vực làm thủ tục của sân bay Nội Bài. Ai cũng chăm chăm tìm kiếm người thân trong chuyến về này.

Em Đỗ Thị Thu Huyền ở Nam Sách, Hải Dương ra đón anh trai cho biết, công ty xuất khẩu lao động báo với gia đình là sáng ngày 25-2 anh sẽ về đến Việt Nam. Nhưng đợi ở đây 1 ngày 1 đêm giờ mới thấy được anh về.

Không cầm được nước mắt, Huyền gọi anh rất to và chạy tới ôm chặt lấy anh trong tiếng khóc nghẹn ngào.

“Em thấy quá may mắn và hạnh phúc so với những người đang mỏi mắt chờ thông tin người thân. Em mong những người về sau sẽ được may mắn như anh em trong chuyến hành trình này,” Huyền chia sẻ.

Khoác chiếc balô to sụ, khuôn mặt đen sạm, mắt đỏ hoe vì mấy ngày nay phải thức trắng đêm và lo cho tình hình bản thân cũng như sốt ruột như người ở nhà ngóng tin, nhưng anh Nguyễn Bá Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An vẫn tỏ ra rất vui vẻ vì đã về nước an toàn.

“Còn rất nhiều người dân nước ta ở đó, cuộc sống của họ tạm ổn, các nhu yếu phẩm của cuộc sống sinh hoạt vẫn được cung cấp và đảm bảo,” anh cho biết.

Lý giải về hành trình chậm chuyến bay theo như dự tính, anh Kiều cho hay, anh phải đi mất 2 ngày, 2 đêm mới về tới được sân bay Nội Bài. “Để về tới Việt Nam, máy bay cất cánh ở Libya lúc 5 giờ chiều ngày 24-2 đưa cả đoàn sang Malta và quá cảnh qua Dubai để bay thẳng về nước.”

Hiện tại, sân bay Tripoli rất đông nên các hãng hàng không của các nước đều gấp rút triển khai đưa lao động về nước từ các quốc gia láng giềng khác.

Xếp lại ngay ngắn đồ đạc sau một chuyến hành trình vất vả, anh Phạm Quang Hiếu, Quảng Trị vẫn chưa hết bàng hoàng kể về những ngày tháng sơ tán ở Tripoli. “Khi các cuộc biểu tình nổi dậy, tất cả các lao động không ai dám ra khỏi trại. Mọi người ai cũng cố gắng dùng mọi biện pháp để có thể liên lạc với người thân qua điện thoại, internet,” anh Hiếu than thở.

Đồ đạc anh mang về chỉ có vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân. Thậm chí, anh còn phải quẳng bớt đi để cho đỡ nặng, hành lý không cồng kềnh và có thể nhanh chóng sơ tán.

Anh Hiếu cho hay: “Chỉ cách nơi chúng tôi làm gần 1.000km, tại Banghazi, một thành phố lớn phía đông Libya, nơi xảy ra bạo động lớn, lao động ở đó đã bị dân phá trại và đốt các phương tiện xe cộ của chủ thầu. Những trại mà chủ bỏ chạy thì lao động Việt Nam vẫn chưa về được.”

Sẽ tiếp tục đưa lao động về

Đại diện của Vinaconex Mec cho biết: "Hiện tại, đơn vị đã cắt cử người ứng trực ở sân bay để tiếp tục theo dõi tình hình. Tính mạng con người là vấn đề trước tiên và gấp rút triển khai mọi biện pháp để tiếp tục đưa lao động đến nơi an toàn.”

Về tiến độ đưa lao động về nước, đại diện Vinaconex Mec cũng chia sẻ: "Việc đưa lao động Việt Nam về nước không thể làm ồ ạt ngay được vì cần phải cân nhắc từng hoàn cảnh cụ thể, từng khả năng của phía đối tác."

“Sau khi đón các lao động xuống sân bay, công ty sẽ thuê xe đón họ về trường dạy nghề của Vinaconex Mec, cách sân bay khoảng 2 cây số để nghỉ ngơi, đơn vị sẽ tổ chức xe đưa đón đảm bảo thức ăn, nước uống cho bà con. Bước đầu Vinaconex sẽ hỗ trợ mỗi người lao động số tiền 1 triệu đồng và tổ chức xe đưa họ về quê…,” ông này nói.

Theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), máy bay mang nhãn hiệu số FHJ do đối tác sử dụng lao động người Bồ Đào Nha thuê để đưa lao động về nước an toàn.

Ông Hải cũng tiết lộ, dự kiến trong ngày hôm nay, 26-2, sẽ có 3 chuyến bay về, trong đó có 2 chuyến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và 1 chuyến ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã triển khai tổ công tác để phối hợp với các quốc gia như Ý, Tunizia, Malta, Ai Cập cùng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước đón lao động ở biên giới đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Hải, vấn đề trước mắt chính là phải cung cấp đầy đủ lương thực và thực phẩm cho công nhân lao động. Nếu họ thiếu tiền, cơ quan Bộ Ngoại giao, đại sứ quán ở đó sẽ giao tiền để mua thức ăn.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng/người.

Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống.

Ông Hải cũng khẳng định: “Bộ sẽ xem xét mức hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp có đông lao động thì mức hỗ trợ sẽ quá lớn và sẽ không thể gánh hết được chi phí của người lao động.”

Hiện Vinaconex đang phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Bộ Ngoại giao để bảo đảm an toàn cho người lao động của Vinaconex còn đang ở Libya và đưa người lao động sang những khu vực an toàn trước khi trở về nước.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để tìm mọi cách đưa lao động về an toàn.
 
TTXVN
;
.
.
.
.
.