.

Giữ hồn văn hóa truyền thống

.
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang được xem là nơi có nhiều hoạt động mang tính chất bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian được dư luận đánh giá cao. Và làm được điều đó, phải kể đến công sức đóng góp của Trưởng phòng Nguyễn Thúc Dũng.

Mô tả ảnh.
Với anh Nguyễn Thúc Dũng, văn hóa văn nghệ phải được sự ủng hộ của công chúng.
TRONG ẢNH: Bà con đang xem Đội thông tin lưu động huyện biểu diễn.
 
Khôi phục và phát triển giá trị các lễ hội dân gian, thực hiện hiệu quả mô hình “đưa dân ca vào trường học”, có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thi đua xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng và phát hành đĩa CD những ca khúc dân ca về Hòa Vang, hình thành cuốn sách văn hóa dân gian Hòa Vang... là những thành công mà Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang đã đóng góp cho phong trào văn hóa chung của thành phố. Trong đó phải kể đến sự ra đời của Đội thông tin lưu động huyện năm 2006 và mới đây nhất là sự ra đời của câu lạc bộ hát bài chòi với tên gọi “Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên”. Mà cha đẻ ra chúng không ai khác là Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Thúc Dũng.

Tên của anh Trưởng phòng này đã được nhắc đến nhiều trên báo chí với tư cách là người đánh giá những giá trị của các mô hình mà Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang đã làm được trong thời gian qua, nhưng ít ai biết được, vì sao anh có thể tự mày mò để khai sinh ra những mô hình ấy.

Khi được chúng tôi cho biết ý định viết về anh, anh Dũng đã từ chối. Nhưng trong câu chuyện kể về những sản phẩm đã thành công, anh phần nào cho chúng tôi biết nguồn gốc của những sản phẩm ấy. Anh tâm sự: “Sự ra đời của Đội thông tin lưu động huyện xuất phát từ một kỷ niệm thời anh còn rất nhỏ. Lúc đó Hợp tác xã Hòa Châu cũng có một đội thông tin lưu động, và được đích thân Tổng Bí thư Lê Duẩn tặng Bằng khen với vở diễn “Hạt lúa Hòa Châu”. Vì hồi đó còn nhỏ nên khi đội ấy đi diễn thì mình chỉ cần ngồi xuống nền gạch trước sân khấu là xem say mê. Nhưng đến năm 1990 thì Đội thông tin lưu động của Hợp tác xã Hòa Châu không còn nữa. Anh thấy hiệu quả mà Đội thông tin lưu động mang lại là rất lớn, đó là khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, bên cạnh đó lồng ghép tuyên truyền miệng đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế là anh tham mưu thành lập Đội thông tin lưu động Hòa Vang. Từ năm 2006 đến nay cái được của đội là rất lớn”.

Một sản phẩm mà anh Dũng vừa mới xây dựng thành công, đó là Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên. Mặc dù mới ra đời trong một thời gian ngắn, nhưng câu lạc bộ này hứa hẹn sẽ đem đến nhiều hiệu quả trong việc lưu giữ vốn truyền thống văn hóa dân gian. Anh Dũng kể: “Người dân ở đây mê bài chòi lắm. Không chỉ người già mà cả trẻ em cũng mê. Và để phục vụ bà con, Đội thông tin lưu động vừa kết hợp biểu diễn vừa chơi bài chòi. Nhiều nơi bà con mê quá mà yêu cầu khỏi diễn, chỉ chơi bài chòi thôi. Nhưng nhiệm vụ chính của mình là biểu diễn nên hẹn bà con dịp khác. Nói như thế để thấy việc phục hồi hát bài chòi là một việc cần thiết”.

Bên cạnh Đội thông tin lưu động huyện và Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên, anh Dũng cũng đã cùng với đồng nghiệp xây dựng khá thành công mô hình “đưa dân ca vào trường học” mà sắp tới đây, Phòng Văn hóa-Thông tin sẽ cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức liên hoan em hát dân ca.

Không chỉ khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa dân gian, anh Dũng còn trăn trở “làm sao để duy trì lâu dài, quan trọng là những giá trị ấy phải sống trong lòng công chúng”. Vì lẽ đó, anh đã xây dựng một lực lượng kế tục với đội ngũ trẻ, để sau này “mình đâu có ngồi đây mãi được, nhưng những cố gắng và tâm huyết của mình thì phải được thế hệ sau tiếp nối”.

Với những đóng góp của mình, anh Nguyễn Thúc Dũng đã vinh dự được chọn là một trong 30 cán bộ, công chức tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng năm 2010.

Bài và ảnh: LOAN PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.