Đến hẹn lại lên, năm nào ngành LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động, nhưng càng kiểm tra, lại càng phát hiện sai phạm...
Doanh nghiệp cần thực hiện pháp luật lao động để người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình. |
Hứa nhiều, quên cũng... không ít
Chỉ tính riêng đợt kiểm tra tại 28 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện chỉ có trên 13 ngàn trường hợp ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn (chiếm 54,6%), trên 7 ngàn trường hợp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng (chiếm 28,4%), trên 3 ngàn trường hợp ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định dưới 12 tháng (chiếm 12,9%) và 616 trường hợp ký kết hợp đồng lao động học việc (chiếm 2,5%), trên 200 trường hợp chưa ký kết hợp đồng lao động (chiếm 0,8%). Trong tổng số gần 29 ngàn lao động mà các doanh nghiệp này sử dụng, thì có đến trên 16 ngàn lao động là nữ và 216 lao động nước ngoài.
Tại điều 59, Bộ luật Lao động có quy định: Doanh nghiệp khi chính thức đi vào hoạt động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và đăng ký thang, bảng lương, định mức lao động về cơ quan quản lý lao động địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Việc xây dựng và đăng ký thang, bảng lương là quy định bắt buộc của pháp luật lao động, làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ để nâng lương, thực hiện chính sách đối với người lao động.
Tuy nhiên, qua lần kiểm tra gần nhất, mới chỉ có 20/28 doanh nghiệp đã đăng ký thang, bảng lương, những đơn vị còn lại thì hứa: “Chúng tôi quên, lần sau sẽ khắc phục!”. Điều đáng nói, trong số những đơn vị “quên” thực hiện điều này có nhiều đơn vị đã từng bị nhắc nhở trong những lần kiểm tra trước. Về đăng ký nội quy lao động, có 10/28 doanh nghiệp chưa đăng ký. Mặc dù việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, pháp luật không quy định bắt buộc, song qua số lượng đơn vị không ký kết thỏa ước (10/28 đơn vị không xây dựng thỏa ước) cho thấy, việc quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của giới chủ với người lao động chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động với tỷ lệ khá lớn hiện nay. Việc còn nhiều doanh nghiệp không có thỏa ước lao động tập thể cho thấy tình hình quan hệ lao động chưa được hài hòa, thiếu tính ổn định, nguy cơ tranh chấp lao động cao.
Xây dựng quy chế trả lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế thưởng là một trong những tiêu chí đánh giá sự tiến bộ trong quan hệ lao động. Tuy quy chế trả lương, trả thưởng là nội dung pháp luật quy định doanh nghiệp phải xây dựng và công khai trong doanh nghiệp nhưng qua kiểm tra chỉ có 17/28 doanh nghiệp có xây dựng và áp dụng.
Chế tài chưa đủ mạnh
Hầu hết các doanh nghiệp đều ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản hợp đồng. Loại thời hạn của hợp đồng đều thể hiện trong hợp đồng lao động. Bên cạnh một số doanh nghiệp ghi rất rõ và đầy đủ các nội dung ký kết theo đúng quy định pháp luật lao động, nhằm giúp phòng tránh các tranh chấp lao động sau này, vẫn còn một số doanh nghiệp lập hợp đồng lao động có nội dung không phù hợp, không rõ ràng, còn nặng tính đối phó. Lại có đơn vị thay đổi một số nội dung trong bản chính của hợp đồng lao động nhưng không có bảng phụ lục.
Còn có trường hợp khi hợp đồng lao động đã hết hạn mà người lao động vẫn làm việc, nhưng một số doanh nghiệp không hợp pháp hóa lại hợp đồng là sai quy định, điều này dễ dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện về sau. Trong số 28 doanh nghiệp được kiểm tra, có 24 đơn vị đóng đầy đủ, kịp thời BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động, có 4/28 đơn vị nợ BHXH với tổng nợ gần 700 triệu đồng. Việc các doanh nghiệp nợ BHXH gây rất nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Hiện nay, tình trạng vi phạm vẫn cứ tiếp diễn bởi chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền lợi người lao động, công tác tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật lao động chưa thường xuyên, phạm vi hướng dẫn còn hẹp. Cán bộ làm công tác lao động tiền lương trong doanh nghiệp không ổn định, có khi còn kiêm nhiệm. Hoạt động của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp không mạnh, quyền lợi của người lao động bị xâm phạm có chiều hướng gia tăng.
Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành còn mang tính hình thức, không đủ sức để phòng ngừa nguy cơ tranh chấp lao động. Trong lúc đó, đội ngũ cán bộ thanh tra lao động hiện nay quá mỏng, lại phải kiêm nhiệm các hoạt động thanh tra của ngành, trong khi địa bàn rộng, số doanh nghiệp ngày càng đông, các quy định của pháp luật lao động đa dạng, phức tạp. Mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ