.

Làm dâu ngày Tết

.
Lúng túng, hồi hộp, thậm chí lo sợ… là tâm trạng của rất nhiều bạn trẻ khi lần đầu đón Tết với bổn phận của một người con dâu trong gia đình chồng...

Mô tả ảnh.
Năm nay chị Hạnh quyết định làm món ram mà cả nhà chồng vẫn thích ăn trong ngày Tết.
Đến bây giờ, khi nhớ lại lần đầu tiên ăn Tết cùng gia đình chồng vào năm ngoái, chị Lê Thị Mỹ Hạnh (tổ 2, phường Hòa Cường Nam, Hải Châu) vẫn còn tủm tỉm cười vì những “sự cố” ngoài dự đoán mà một cô dâu mới như chị đã gặp phải. Chị kể, vì công việc quá bận rộn, phải đến chiều ngày 30 Tết chị mới có thời gian giúp bố mẹ chồng lau dọn, trang hoàng nhà cửa. Một mình chị phải dọn bàn thờ, lau ba tầng lầu, sắp xếp lại ly tách, rồi chạy lui chạy tới chở mẹ chồng đi sắm đồ Tết…
 
Mệt bở hơi tai mà không dám than thở. Chẳng bù cho thời con gái, mỗi khi đến Tết việc dọn nhà chị Hạnh vẫn ỷ vào ba mẹ và hai cậu em trai, còn mình chỉ chăm chăm đi sắm sửa, làm đẹp. Chị bảo: “Gần đến giao thừa rồi mà mình vẫn còn lúi húi cùng mẹ chồng giặt đồ vì không muốn đầu năm mới đã phải giặt giũ. Đến lúc dọn xong, mới nghe mẹ chồng bảo con mệt thì đi nghỉ đi, thế là mình chạy lên phòng và lăn ra ngủ ngay. Quên luôn phải đón giao thừa với cả nhà, kế hoạch tụ tập với bạn bè sau giao thừa cũng bị bỏ qua. Sáng mồng một Tết phải 9 giờ mình mới thức dậy.
 
Biết là thất lễ với bố mẹ chồng nhưng mệt quá nên đành chịu”. Cũng may gia đình chồng chị khá thoải mái lại thông cảm với cô dâu mới nên sau đó chị không bị quở trách gì. Không phải lo lắng với nỗi lo dọn dẹp nhà cửa như chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Hằng (phường An Hải Bắc, Sơn Trà) lại đuối sức và xuống sắc vì lịch di chuyển dày đặc trong những ngày Tết. Lấy chồng ở Quảng Trị, lại được phân trực Tết cơ quan, nhưng vì năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên chỉ trong ba ngày Tết chị phải đi đi về về tổng cộng mất 3 chuyến. Chị Hằng lắc đầu bảo: “Mới năm đầu làm dâu, lại ở tỉnh khác nên mình bỡ ngỡ lắm. Lại mệt mỏi vì đi nhiều nên ba ngày Tết đó mình không thấy vui vẻ gì, lúc nào cũng có cảm giác lạ lẫm khiến nhà chồng cũng e ngại. Năm nay, mình rút kinh nghiệm xin trực cơ quan ngày mồng 3 Tết, còn hai ngày trước sẽ dành cho nhà chồng để có thời gian nghỉ ngơi và vui Tết”.

 Phụ nữ vốn thích làm đẹp, nhất là vào dịp Tết, vì đây là khoảng thời gian họ phải tiếp đón, thăm hỏi với bà con, họ hàng, bạn bè của chồng. Không ít chị em đã đầu tư một khoản không nhỏ cho chuyện này. Nhưng cũng vì đầu tư nhiều nhưng có lúc không “sử dụng” được nên khi Tết xong nhiều chị em đã phải ngậm ngùi. Như trường hợp chị Đỗ Thị Hà Thu (phường Hòa Thuận Đông, Hải Châu). Vì năm đầu tiên mới về làm dâu, chị Thu muốn nhà chồng “nở mày, nở mặt” với mọi người vì có cô con dâu chăm chỉ,  biết sửa soạn, lúc nào trông cũng xinh xắn.
 
Thế nhưng, ba ngày Tết chị suốt ngày lúi húi tiếp đón hết khách của ba mẹ chồng đến bạn bè, đồng nghiệp, rồi khách của em chồng. Bao công sức làm đẹp của chị từ bộ móng tay cho đến váy áo chỉ khoe được trong… nhà. Năm nay, chị quyết tâm lên kế hoạch trực Tết ngay từ đầu để không bị “thiệt thòi” như năm cũ nữa. Không “đảm đang” như chị Thu, chị Hạnh, Tết đầu tiên về làm dâu của chị Mỹ Ngọc (Thanh Khê) lại vô cùng thoải mái. Vì ở riêng nên chị Ngọc chỉ chăm chăm lo cho gia đình nhỏ của mình mà quên mất gia đình chồng. Thậm chí ba ngày Tết cũng không đi thăm họ hàng. Chị Ngọc “hối hận” khi nhớ lại: “Không biết vì sao lúc đó mình vô tư đến mức như vậy. Cả ba ngày Tết mình chỉ đến nhà bố mẹ chồng vào sáng mồng một, thời gian còn lại chỉ đi chơi với bạn bè. Năm nay mình sẽ sửa sai, sẽ  làm con dâu hiền thảo”.

 Chuyện “làm dâu nhà người” bây giờ đã không còn quá khắt khe như ngày trước. Nhưng nó sẽ không còn là nỗi lo lắng của các cô gái khi lần đầu làm dâu nếu họ có những tình cảm chân thành, không ngừng cố gắng để vun đắp, xây dựng mối quan hệ tình cảm bền chặt với gia đình chồng.

Khánh Hòa
;
.
.
.
.
.