Nơi đây, có những thầy thuốc và những người làm các công việc khác nhau, song tựu trung họ đều giống nhau về tấm lòng vì người bệnh. Đó là cảm nhận của nhiều người khi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (TTĐDNTT) nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Cán bộ Trung tâm ĐDNTT (phải) hướng dẫn bệnh nhân lao động liệu pháp.
Từ những tấm lòng nhân ái...
Đa số cán bộ, nhân viên của trung tâm công tác trong ngành Lao động-xã hội, được điều về đây theo yêu cầu nhiệm vụ và họ đã “gặp nhau” ở lòng nhân ái và tinh thần vì người bệnh. Công việc điều dưỡng người tâm thần mang tính đặc thù và hết sức nhọc nhằn, phức tạp. Chẳng hạn, phải bày cho họ từng động tác nhỏ như cách ăn uống, tắm giặt, tập thể dục, phải trực tiếp làm vệ sinh, thay quần áo cho những bệnh nhân đang rối loạn hành vi... Chúng tôi gặp chị Hồ Thị Hợi - Trưởng khu D đang hướng dẫn bệnh nhân lao động liệu pháp bằng công việc chăm sóc rau muống và liên tục nghe chị bảo các bệnh nhân: “Chỉ nhổ cỏ, chứ đừng nhổ rau đấy nhé!”. Còn Trưởng khu C Nguyễn Bá Đao đang cùng bệnh nhân tưới hoa, vừa tưới vừa nhắc: “Nhớ cho nước chảy xuống nhè nhẹ, kẻo bị xói gốc, chết hoa đó nghe!”...
Cả khi bệnh nhân ăn cơm, các điều dưỡng viên cũng phải chú ý theo dõi, vừa lo nhắc từng người ăn hết khẩu phần, vừa canh chừng kẻo các đối tượng khỏe ăn luôn phần cơm của người khác. Đến ngày lễ, ngày Tết, cán bộ, nhân viên nơi đây cũng làm việc như thường, bởi vì đối với những bệnh nhân tâm thần này, thì ngày thường và ngày Tết đâu có khác nhau. Càng đáng trân trọng hơn, dù đã có người bị u đầu, sưng trán, do bệnh nhân đánh khi lên cơn động kinh, nhưng hàng chục năm qua nơi đây chưa có ai rời bỏ nhiệm vụ.
Đến những thầy thuốc đa khoa
Hằng năm, ở Trung tâm ĐDNTT có từ 60-70 đối tượng được chữa khỏi bệnh, trở về với gia đình và rất ít trường hợp “quay trở lại”. Trong khi đó, bình quân mỗi năm trung tâm tiếp nhận mới khoảng 80 đối tượng bằng con đường thu gom và do gia đình làm thủ tục gửi vào. Họ đến đây từ Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác trong nước. |
Với hơn 300 người bệnh, nhưng trung tâm chỉ có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ, 4 y sĩ, 1 y tá và những thầy thuốc này không phải chuyên sâu một khoa mà phải biết hết tất cả các khoa, kể cả khoa hộ sinh. Không ít bệnh nhân trước khi vào trung tâm đã có thai và chính những người thầy thuốc nơi đây đã làm bà đỡ khi họ đến kỳ khai hoa nở nhụy. Bệnh nhân N.T.N ở Khu D khi sắp sinh còn lên cơn la quậy, khiến y tá Ngô Thị Hồng và đồng nghiệp phải ôm giữ, xoa bóp hàng mấy tiếng đồng hồ. Khi đưa N lên bàn sinh, còn phải hướng dẫn cách nín hơi, lấy sức để rặn và hết lời động viên cho chị ta “vượt cạn”. Mãi một hồi lâu, chị Hồng và đồng nghiệp mới đưa được cháu bé ra đời, còn sản phụ thì hoàn toàn chẳng biết việc gì vừa xảy ra và tất nhiên không hề biết động tác cho con bú! (Đứa bé này sau đó đã được chuyển sang nuôi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố).
Bệnh nhân N.V.H (khu C) bị nhũn não, sức khỏe rất yếu, đi đứng đều khó khăn, do di chứng tai biến mạch máu não. Bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên vừa điều trị bằng thuốc, vừa hướng dẫn cho bệnh nhân luyện tập hằng ngày, ròng rã hơn 6 tháng trời, H mới tự đi lại được. Bệnh nhân H.T.N (Khu A) bị lao hạch vỡ, rất hôi, chính người nhà của N mỗi khi đến thăm cũng phải tránh né. Vậy mà, y sĩ Nguyễn Văn Tuấn ngày nào cũng tỉ mỉ ngồi rửa vết thương và thay băng cho N, vừa làm vừa khéo léo động viên để “anh ta ngồi im thì mới thay rửa được!”...
Còn mỗi khi cấp phát thuốc, các y sĩ, y tá phải cố khuyên bệnh nhân uống liền tại chỗ, bảo họ nằm xuống để tiêm thuốc hay lấy máu xét nghiệm càng phải thật nhẹ nhàng, khéo léo. Tuy thế, có lúc cũng không tránh khỏi “bị nạn”, bởi những hành vi do người bệnh lên cơn động kinh. Đặc biệt, y sĩ Nguyễn Văn Nhân - phụ trách khu kích động với những bệnh nhân đang lên cơn, thường la hét, đập phá và làm nhiều động tác vô thức, nếu thiếu tâm huyết, chỉ tiếp xúc với họ một ngày là đã hết chịu đựng nổi. Thế mà anh Nhân đã nhiều năm gắn bó với công việc phục vụ những bệnh nhân đặc biệt này, và khi có ai hỏi đến động cơ để anh gắn bó với nơi này là anh tươi cười nói: Hễ mình thật sự coi bệnh nhân như người thân của mình thì sẽ làm được tất cả!
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM