Tuyến đường sắt đi qua thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm trong thời gian qua luôn là nỗi lo về tai nạn giao thông. Cách đây ít ngày, khi hương vị Tết còn nồng nàn, một người băng ngang qua đường sắt đã bị tàu tông chết.
Rất nhiều đoạn đường sắt không có hàng rào cách ly giữa đường gom và đường sắt.
Ám ảnh bị tàu cán
10 giờ sáng ngày 8-2, tức mồng 6 Tết Tân Mão, tại km797+915 (trước số nhà 1086 đường Trường Chinh, thuộc tổ 9, phường Hòa Phát), một người đàn ông khoảng 30-35 tuổi đi từ trong khu dân cư băng qua đường sắt để ra đường Trường Chinh (quốc lộ 1A), do không quan sát nên đã bị đoàn tàu SH2 tông phải và kéo lê 20m rồi mới dừng lại, khiến nạn nhân chết tại chỗ và thi thể bị biến dạng hoàn toàn. Trước đó, cách vị trí xảy ra tai nạn nói trên 300m, lúc 15 giờ 30 ngày 19-8-2010, tại đường dân sinh ở km798+225 (thuộc tổ 8, phường Hòa Phát) một người đàn ông (trú tại phường Thuận Phước) điều khiển xe máy đến Hòa Phát thăm người thân, khi đi qua đường ngang dân sinh này do bị lãng tai, không nghe thấy những người xung quanh nhắc nhở và tiếng còi tàu, nên đã bị đoàn tàu chở hàng lưu thông theo hướng Nam - Bắc cán chết, chiếc xe máy bị hư hỏng hoàn toàn…
Thương tâm nhất là vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh có người gác cảnh giới (không chuyên) ở km799+210 (thuộc tổ 13, phường Hòa Thọ Tây) vào lúc 7 giờ sáng ngày 21-2-2010, tức mồng 4 Tết Canh Dần, ông N.X.P (51 tuổi, hành nghề xe ôm) điều khiển xe máy chở hai mẹ con chị N.T.H (36 tuổi, trú tại Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) đã bất chấp cảnh báo, băng qua đường ngang đương lúc một đoàn tàu Thống nhất lao tới và tai nạn xảy ra khiến ông N.X.P tử vong, chị N.T.H và con nhỏ khoảng 8 tuổi bị thương nặng.
Trước đây, đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm là “vệt đen” tàu hỏa cán người. Năm 2007, thành phố đã đầu tư kinh phí rất lớn để làm tuyến đường gom dọc theo đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm và chỉ đạo Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, Công an thành phố, UBND quận Cẩm Lệ đóng 27 đường ngang trái phép qua đường sắt, chỉ để lại một số đường ngang có gác chắn và đường ngang dân sinh cần thiết cho người dân đi lại, nhờ vậy số vụ tàu hỏa cán người giảm hẳn. Tuy vậy, trong thời gian qua, đoạn đường sắt này và toàn tuyến đi qua thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục gây quan ngại khi xảy ra nhiều vụ tàu hỏa cán chết người. Cụ thể, nếu trong năm 2009 xảy ra 4 vụ tai nạn do người đi qua đường sắt không chú ý bị tàu cán làm chết 5 người (so với năm 2008 giảm 1 vụ, số người chết không tăng, không giảm), thì trong năm 2010 xảy ra 8 vụ tai nạn, làm 7 người chết, 3 người bị thương nặng.
Giảm thiểu nỗi lo tai nạn giao thông đường sắt
Tháo dỡ hàng rào cũ rồi để vậy, tạo “cơ hội” cho người dân băng ngang qua đường sắt. |
Theo phản ánh của người dân, trên đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm, ngoài một số ít đoạn được rào chắn cách ly giữa đường gom và đường sắt, còn lại phần lớn là không rào cách ly, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ người và phương tiện đi trên đường gom bị tàu hỏa “hút”, mà người và xe cũng thường xuyên rớt xuống mương đường sắt. Bên cạnh đó, đơn vị thi công đang tiến hành thay thế hàng rào cách ly giữa Quốc lộ 1A và đường sắt, nhiều đoạn rào cũ được tháo ra rồi để trống hoác, tạo “cơ hội” cho nhiều người dân tự băng qua đường sắt…
Theo Phòng Kỹ thuật - Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, trên đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm, lo ngại nhất là đường ngang dân sinh tại km799+210 (từng xảy ra 8 vụ tai nạn, làm chết 7 người, 3 người bị thương nặng - PV), nhưng giữa năm 2010, thành phố phối hợp với ngành đường sắt đóng đường ngang dân sinh này lại, đồng thời mở đường ngang tại km799+170 và thuê người gác cảnh giới.
Thực hiện Quyết định số 1856/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, UBND thành phố Đà Nẵng đã được giao làm chủ đầu tư công trình nút giao thông khác mức ở ngã ba Huế (cầu vượt qua đường sắt). Việc rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành. Còn việc rào cách ly giữa đường sắt và đường gom cũng đang tiến hành bước khảo sát, làm việc thống nhất với thành phố nhằm cắm mốc hành làng an toàn đường sắt…
Được biết, trong quá trình tổ chức thi công công trình rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt, cơ quan chức năng sẽ đóng 2 đường ngang dân sinh tại km794+064 và km794+890 (thuộc quận Cẩm Lệ). Mới đây, làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho rằng, tạm thời thành phố sẽ không triển khai việc cắm mốc bảo vệ 15m nhằm ổn định đời sống người dân dọc 2 bên đường sắt, chỉ tiến hành giải tỏa toàn bộ các công trình xây dựng nằm trong vệt giới hạn 5,6m. Theo quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, thành phố đã quy hoạch di dời nhà ga ra phía Tây của thành phố, với hành lang bảo vệ hai bên lên tới 100m. Sắp tới, thành phố sẽ làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc di dời nhà ga và đường sắt.
Thiết nghĩ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Đường sắt, cảnh giác khi đi ngang qua đường sắt để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nên đi lại ở các đường ngang hợp pháp, nâng cao ý thức chấp hành và xây dựng văn hóa giao thông.
Bài và ảnh: Hoàng Hiệp