.

Vui buồn đi lễ chùa

.
Đi chùa cầu Phật là một nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của người dân Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Người ta lên chùa cầu lộc, cầu tài, cầu an, cầu phước, kể cả cầu duyên… Chẳng biết có ai đi cầu mà mong ước đó thành hiện thực hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chí ít việc làm đó đem lại cho họ sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
 
Tượng Phật Bà tại chùa Linh Ứng.
Tượng Phật Bà tại chùa Linh Ứng.
Tuy nhiên, ngày nay khi đời sống ngày càng khấm khá tạo nên hiệu ứng “phú quý sinh lễ nghĩa”, và cũng kéo theo nhiều hệ lụy từ việc đi chùa cúng Phật. Người ta lên chùa là để tìm sự bình an, tĩnh lặng theo đúng nghĩa của từ lên chùa, nhưng hiện nay, việc đi chùa đang dần dần bị “thương mại hóa” như kiểu đi trẩy hội, làm cho nét trang nghiêm, tôn kính và trầm mặc nơi cửa chùa không còn vẹn nguyên.

Một ngày đầu năm, chúng tôi có mặt tại một số chùa lớn trên địa bàn Đà Nẵng để xem thiên hạ đi chùa. Khói hương nghi ngút, người người cúi sập lễ tạ trước các đài hương thờ Phật. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ai đó không phân niệm về những người đang một lòng hướng Phật, sụp đầu trước cửa Phật. Nhưng hãy để ý hơn một chút chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều trái ngược, trong số đông ấy, có biết bao nhiêu người lên chùa nhưng trang phục áo quần chẳng khác gì đi dự dạ hội; áo cổ rộng, váy ngắn, váy dài, quần đùi áo cộc cũng không thiếu xen bên cạnh những người đứng tuổi áo nâu, quần dài nghiêm túc. Chứng kiến sự đan xen chẳng lấy gì đẹp đẽ ấy trước cửa nhà Phật thật khiến người ta suy ngẫm.

Chùa Linh Ứng (Sơn Trà) với tượng Phật Bà cao nhất Việt Nam vừa khánh thành và đưa vào sử dụng, nhưng với công trình kiến trúc đồ sộ này cùng với địa thế trước biển, sau núi ấy đang không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn là nơi hấp dẫn du khánh thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn. Cũng chính vì thế, nhiều người không ngại miệng mà rằng, cứ lên chùa Linh Ứng mà xem các cô gái trẻ váy đầm áo nửa ngực khoe mình chụp ảnh. Kể ra tưởng là một sự nghịch lý, nhưng thực tế đó ngồn ngộn ngay trước mặt những ai lên chùa và trông thấy.

Mô tả ảnh.
Người người tấp nập lên chùa.
 
Câu chuyện lên chùa hái lộc đầu năm ngày nay cũng đang dần trở thành một chủ đề cần suy ngẫm. Một ông cụ đi chùa đầu năm để hái lộc sau thời khắc giao thừa kể lại với chúng tôi, việc rút thẻ xem vận đầu năm và bỏ quỹ công đức là chuyện tùy tâm, người nghèo, kẻ giàu gì cũng thế, nhưng ngày nay đi chùa rút quẻ không còn là chuyện của việc tùy tâm. Có một luật bất thành văn là, để có thể rút thẻ và xem vận thì buộc phải bỏ “tiền công đức”, có vậy thì quẻ mới được giải chứ không phải như trước đây, trong thẻ bói quẻ đã có sẵn câu giải đáp. Rồi đến chuyện ý thức của những người đi hái lộc đầu năm đã vô tình hay cố ý hái trọc hết cây cối trong chùa, làm cho cảnh vật chùa sau những ngày đầu năm trở nên… trọc lóc. Nếu ngày trước người ta chuẩn bị đi lễ chùa từ trước đó ở nhà, thì nay chẳng cần đi đâu xa, ngay tại cổng chùa có đầy đủ tất cả những thứ lễ cần thiết, từ trầu cau, hương hoa… bảo đảm cần là có.

Mô tả ảnh.
Một góc chùa Linh Ứng.
 
Đành rằng, cuộc sống bon chen khiến người ta bận rộn hết cả quỹ thời gian, nhưng không phải vì thế mà đánh đổi cả những giá trị văn hóa tâm linh đẹp đẽ mà truyền thống cha ông đã gìn giữ hàng nghìn năm qua. Một cụ bà đi chùa tại một góc nhỏ trên đường Trần Cao Vân, nơi có ngôi chùa nằm lọt thỏm sâu bên hành lang đường sắt sát cạnh ga Thanh Khê tâm sự, thật sự cuộc sống ngày nay khiến người ta lên chùa cũng chẳng còn được bình yên. Người giàu họ cậy thế có tiền đã làm mất đi sự trang nghiêm và yên tĩnh nơi cửa chùa bằng những thứ vật lễ đồ sộ, những lần cúng bái rình rang mà chẳng cần thiết. Họ cứ đem tấm lòng lên cửa Phật là được rồi, Phật đâu chỉ ở cửa chùa mà ở tại chính tâm con người ta. Rồi thì người nghèo thấy thế, cũng cố làm theo để cho Phật “thấy” lòng mình. Dần dần chùa là chốn tâm linh, chốn tĩnh lặng để người ta sau những căng thẳng, mệt mỏi tìm đến mong tìm lại sự thăng bằng, sự thanh thản và yên tĩnh giữa cuộc đời bon chen hình như đang bị “thương mại hóa”, thật là đáng để suy nghĩ.

Đầu năm đi chùa để cầu mong cho an lành cả năm, nhưng cũng là để dịp chúng ta suy ngẫm thêm về cuộc sống và người đời ngày nay, để thấy rằng, cái ồn ào của cuộc sống đang dần dần tràn vào cửa Phật.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.