Công tác đối ngoại nhân dân đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong công tác đối ngoại chung của Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà PHAN THỊ MINH (tên khác là Lê Thị Kinh) - nguyên Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Italia, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh - về công tác đối ngoại trong thời kỳ chiến tranh và kinh nghiệm vận dụng vào thời kỳ hiện nay.
Bà Phan Thị Minh (ngoài cùng bên phải) cùng chụp ảnh lưu niệm với các bạn bè nước ngoài trong một lần công tác tại Paris (Ảnh chụp lại). |
* Thưa bà, là một người hoạt động lâu năm trong công tác đối ngoại nhân dân, bà có thể cho biết những kinh nghiệm trong quá trình làm việc của mình?
- Công tác ngoại giao nhân dân được hiểu là quá trình trao đổi với các nước trên thế giới nhằm đưa ra những ý kiến, những hoạt động... của mình. Mình đem ra nước khác những gì và qua quá trình đó đem về những kinh nghiệm, những bài học gì cho đất nước mình.
Thời chiến tranh, công tác ngoại giao của chúng tôi là tập trung vào việc tìm ra những quốc gia đồng minh của mình, từ đó vận động họ lên tiếng nói ủng hộ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, phản đối lại những hành động xâm lược phi nghĩa của thực dân, phát xít, đế quốc… Lúc nước ta rơi vào chiến tranh đau khổ, lại là một dân tộc nhỏ bé, trong tay chúng ta không có gì để trao đổi với các nước khác. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết dùng chân lý và sự thật để thuyết phục được đông đảo nhân dân yêu hòa bình trên thế giới (từ các chính khách, quan chức, trí thức, dân thường…) ủng hộ. Thắng lợi của Việt Nam có được chính là thắng lợi của trí tuệ, của lẽ phải… nên dù gặp phải bất cứ một đối thủ nào mạnh đến gấp nhiều lần chúng ta, song ta vẫn giành thắng lợi.
Cần nhất trong công tác đối ngoại vẫn là có được sự tin tưởng và ủng hộ từ bạn bè khắp nơi trên thế giới. Phải có sự kiên trì, không được nản lòng trước bất cứ một sự khó khăn nào thì công tác ngoại giao sẽ dễ dàng thành công.
* Trong xu thế hội nhập, công tác đối ngoại nhân dân gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
- Trong xu thế hội nhập và phát triển, công tác đối ngoại nhân dân được xác định mang vai trò đột phá, củng cố, bổ sung và tạo cơ sở xã hội, nền tảng quần chúng cho quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo, củng cố môi trường hòa bình, tạo dựng hình ảnh quốc tế của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, có những khó khăn, hạn chế trong công tác đối ngoại nhân dân như còn mang tính thụ động, phạm vi quan hệ, tác động, tập hợp còn hạn chế so với yêu cầu của tình hình đất nước; lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân còn thiếu sự phối hợp thống nhất trong hoạt động của mình... Những người làm công tác này, hơn ai hết, cần nắm rõ những hạn chế đó, để có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm quý báu và có các giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin đối ngoại, tranh thủ mọi nguồn kinh phí (nhưng phải tỉnh táo chọn lọc) thì sẽ tạo ra thành công trong công tác đối ngoại ở thời kỳ hiện nay.
* Những kinh nghiệm của bà chia sẻ với các cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân hiện nay?
Bà Phan Thị Minh (còn có tên khác là Lê Thị Kinh), sinh năm 1925, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, là một người có nhiều cống hiến trong công tác ngoại giao Việt Nam. Bà là người con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em (6 gái, 1 trai). Năm 20 tuổi, bà là người đầu tiên tham gia công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau năm 1945, bà được cử ra Bắc học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Chiến tranh ở miền Nam nổ ra, bà được chuyển vào Nam và phụ trách theo dõi chính quyền Mỹ-ngụy. Sau đó, với khả năng ngoại ngữ giỏi, bà được cử đi cùng đoàn đàm phán của Việt Nam sang dự Hội nghị Paris. Một thời gian bà làm Đại sứ Việt Nam tại Italia. Sau đó bà làm Vụ trưởng Vụ Ngoại giao (theo dõi về các tổ chức Liên Hợp Quốc) và nghỉ hưu. Hiện bà sống cùng người con trai thứ hai tại nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (số nhà 72 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). |
- Trong giai đoạn mới, trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, công tác đối ngoại nhân dân phải đổi mới linh hoạt, chủ động hơn. Đó là phải luôn nắm vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta vẫn cần phải đề cao sự ủng hộ, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần từ bạn bè khắp thế giới.
Quan trọng nhất theo tôi là phải làm sao cho công tác ngoại giao nhân dân thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của mọi tầng lớp, mọi người dân. Phải làm sao để người dân biết, một hành động nhỏ của họ cũng góp phần vào thành công của công tác đối ngoại nhân dân. Mọi người đều có thể làm công tác đối ngoại thông qua chính việc làm của họ, từ đó nếu tạo ra thiện cảm với người nước ngoài thì họ sẽ suy nghĩ tốt về đất nước, con người Việt Nam. Đó là một thành công của công tác đối ngoại.
* Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn
ĐẮC MẠNH (Thực hiện)