.

Đà Nẵng dẹp sạch “cái bang”

.

Trong khi TPHCM còn loay hoay xử lý nạn ăn xin thì TP Đà Nẵng từ lâu đã dẹp “cái bang” bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Nhờ đó, hiện nay, Đà Nẵng hầu như không còn người đi ăn xin

Mô tả ảnh.
Điện thoại đường dây nóng được treo trên các đường phố Đà Nẵng để người dân khi phát hiện người ăn xin sẽ báo cho cơ quan chức năng

Nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”. Đến nay, mục tiêu này đã được hiện thực hóa.

Thưởng “nóng” cho người báo tin

Ngày 28-3, trao đổi với chúng tôi về giải pháp xóa bỏ tình trạng người lang thang xin ăn, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng cho biết, để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu, lãnh đạo TP đã thành lập một đội chuyên trách gồm lực lượng công an và cán bộ Sở LĐ-TB-XH xử lý người lang thang xin ăn.

Đội chuyên trách được bố trí xe chuyên dụng để tập hợp người ăn xin đưa về đầu mối tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. “Có thể nói biện pháp phát huy hiệu quả nhất là lãnh đạo TP Đà Nẵng cho lập đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại (3550550 và 3550770) trên các phương tiện thông tin đại chúng và treo trên các đường phố để người dân kịp thời phản ánh. Cá nhân nào phát hiện một người lang thang xin ăn và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý sẽ được thưởng “nóng” 200.000 đồng” - ông An nói.

Sau khi đưa toàn bộ những người lang thang xin ăn về Trung tâm Bảo trợ xã hội TP, các cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ rồi báo về gia đình, địa phương để gia đình người đi ăn xin ký cam kết không tái phạm và bảo lãnh. Ông An cho biết thêm: “Nếu phát hiện người nào tái phạm sẽ đưa đi lao động tập trung. Cách làm này đã tạo được sự đồng tình của dư luận nên mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết người lang thang bị xử lý là do quần chúng nhân dân phát hiện, báo tin!”.

Làm quyết liệt, đồng bộ

Theo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, từ năm 2001 đến nay, TP Đà Nẵng đã tập trung được hơn 2.500 đối tượng lang thang xin ăn, trong đó có trên 90% là người ngoại tỉnh. Số người lang thang xin ăn cũng giảm dần theo từng năm. Nếu năm 2005, số người bị phát hiện, xử lý là 317 thì đến năm 2009 chỉ có 90 đối tượng và năm 2010 chỉ có 66 đối tượng. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ có 4 đối tượng lang thang xin ăn bị phát hiện, xử lý.

Một lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết để tiếp tục duy trì tốt mục tiêu “TP không có người lang thang xin ăn” nhằm góp phần xây dựng TP Đà Nẵng văn minh, hiện đại, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng đề án “Không có người lang thang xin ăn” giai đoạn 2010-2015. Đề án đưa ra các mục tiêu: Phát hiện kịp thời và tập trung 100% số người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn TP vào các cơ sở bảo trợ xã hội để phân loại, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề và giải quyết đưa về hòa nhập cộng đồng.

100% số người lang thang xin ăn có hộ khẩu tại Đà Nẵng sau khi đưa về hòa nhập cộng đồng sẽ được hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống. “Song song đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các ngành và địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ động triển khai thực hiện lồng ghép vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Cụ thể là chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm; giải quyết kịp thời các chính sách đối với người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, các hộ nghèo… Đây là cách làm hiệu quả, lâu dài để duy trì kết quả đạt được!” - vị lãnh đạo này nói.

Theo Người Lao Động Điện tử

;
.
.
.
.
.