Bạo lực gia đình (BLGĐ) không còn là chuyện lẩn khuất sau bờ tre, gốc rạ từ khi Đà Nẵng kiên quyết xóa bỏ tệ nạn này. Lâu nay, người đàn ông quê mùa, chân lấm tay bùn vốn bị cho là gia trưởng, cổ hủ, nhưng có đến nông thôn những ngày này mới thấy, họ đã cởi mở và có kiến thức về pháp luật không thua kém bất kỳ đâu.
Đánh vợ, phạt nặng dữ hè!
Nông dân Hòa Phong tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ. |
150 ông chồng tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã tròn mắt khi biết hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên trong gia đình bị phạt hành chính từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Những hành vi diễn ra “lẹc xẹc” hằng ngày như cô lập, xua đuổi, tạo áp lực tâm lý hoặc ngăn cản quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình cũng bị quy vào tội gây bạo lực. Thêm vào đó, cấm vợ tham gia hoạt động xã hội, bắt vợ sinh thêm con, không cho con gái lớn học hành đến nơi đến chốn, v.v… đều không đơn thuần ảnh hưởng đến cá nhân người bị ngăn cản mà đó là sự vi phạm pháp luật. Nhờ có các cuộc thi ở tổ, nhóm, xã rồi lên huyện về chủ đề phòng, chống BLGĐ mà hiện nay, vấn đề bạo lực đã được các anh nhìn nhận một cách thông thoáng.
Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong cho biết, các cuộc thi mang tính phổ biến pháp luật về BLGĐ và Bình đẳng giới được tổ chức từ hai năm trước. Nhưng thời điểm ấy, chỉ toàn… phụ nữ tham dự, dù chúng ta đều biết nguyên nhân gây bạo lực chủ yếu từ phía đàn ông. Các anh cho rằng, bình đẳng hay không, đánh vợ hay không là chuyện riêng, cán bộ xã và luật pháp không cớ gì can thiệp. Từ khi có những cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với các ông chồng bạo lực, hằng ngày lại được nghe báo, đài phản ánh chuyện chống BLGĐ, các anh dần ngộ ra đây là vấn đề chung của xã hội.
Thế nên, cuộc thi Chung tay phòng, chống BLGĐ vừa diễn ra tại Hòa Phong đã thu hút hàng trăm anh tham dự. Không chỉ có mặt để biết “lâu nay mình sai” (theo lời chị Cúc Anh, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Dương Lâm 1), mà những ông chồng còn được dịp hiểu thêm nhiều khía cạnh khác như cách hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, ngăn chặn nguy cơ gây bạo lực… Không khí “tưng bừng” trong ngày học luật tại một xã thuần nông cho người ta liên tưởng đến những buộc ràng cổ hủ như đã thực sự được cởi bỏ.
Nhờ rứa nhà cửa mới vui!
Chị Cúc Anh cho biết, gần đây chị thường xuyên nghe những chia sẻ tâm tình của chị em trong thôn về chuyện gia đình, nhưng không phải là lời phàn nàn, trách cứ mà là niềm phấn khởi bởi chồng đã “tâm lý” hơn. Chị Cúc Anh nói: “Lần hồi các anh đã hiểu khuôn khổ của quyền và trách nhiệm. Quyền làm chồng, làm cha là xây đắp gia đình ngày càng phát triển, chứ không phải quyền… đánh đập”.
Theo các cán bộ xã tại đây, vấn đề BLGĐ chỉ là những cuộc cãi vã do rượu gây ra, tỉnh cơn say, ông nào cũng thấy lỗi cho đến khi… say lại! Có trường hợp vợ chồng lớn tiếng, cán bộ xã đến giải quyết thì người chồng phản ứng gay gắt. Lúc tỉnh rượu, anh biết mình sai nên tìm đến xin lỗi. Phòng chống BLGĐ ở nông thôn, vì thế cũng đi liền với việc dẹp nạn “bét nhè” vào tầm xế xế.
Bài và ảnh: Toàn Vân