Thường lệ, cứ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối hằng ngày, hai anh em ông Nguyễn Văn Ca (66 tuổi), Nguyễn Văn Đại (65 tuổi), trú tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu lại đều đặn có mặt bên barie nhỏ. Dù cho trời nắng hay mưa, hai ông vẫn không rời gác chắn, để bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu ngược Bắc, xuôi Nam.
Chuẩn bị hạ barie khi tàu đến.
Một thời là“đường chết”...
Một ngày cuối tháng giêng, chúng tôi có dịp ghé đến gác chắn đường ngang dân sinh số 2 (tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam). Xa xa, thấy một ông lão ngồi trên chiếc ghế nhựa, đôi mắt hết nhìn về phía bắc rồi lại nhìn phía nam. Ông là Nguyễn Văn Ca. Thấy có người đến gác chắn, ông Nguyễn Văn Đại (em ông Ca) từ trong nhà ra cùng trò chuyện.
Từ phía cầu Nam Ô về thành phố Đà Nẵng chừng 300m có một con đường dân sinh rẽ vào tổ 43. Tuy nhiên, đây lại là con đường huyết mạch của nhân dân từ nhiều tổ khác trong địa bàn. Vì vậy, hằng ngày lượng người qua lại rất đông. Đường chật, người đi phía Đông không nhìn thấy người phía Tây. Hai đầu đường ray cây cối rậm rạp, che khuất tầm nhìn nên rất dễ xảy ra tai nạn. Và thực tế, con đường này, khi chưa có hai ông lão “canh giữ” đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường sắt hết sức thương tâm.
Nhớ lại những thời điểm đó, ông Đại trầm ngâm: Khoảng hơn 4 năm về trước, tại con đường dân sinh này, một cậu sinh viên của Trường ĐHBK ở Hòa Khánh lên chơi, khi qua đoạn đường ngang do dốc cao, lại thiếu sự quan sát nên đã bị tàu hỏa cán chết. Vụ tai nạn khiến người dân ở đây hết sức bàng hoàng. Tưởng đâu sau vụ tai nạn ấy, ngành đường sắt sẽ có phương án nào hữu hiệu, người dân sẽ cảnh giác hơn thì sau đó vài tháng, một người thanh niên khác đi qua đường ngang cũng bị tàu húc văng, chết tức tưởi.
Cũng trước đó hơn 1 năm, chị Trần Thị Ng., nhà ở cạnh đấy, buổi sáng lật đật chở hai con nhỏ đi học cho kịp giờ đi làm. Khi chị Ng. vừa tăng ga chiếc xe máy từ dưới dốc lên thì bất ngờ chiếc xe chết máy ngay giữa đường ray. Mọi người hốt hoảng í ới, chị Ng., nhanh chóng nhảy khỏi xe và kịp lôi hai đứa con ra. Khi choàng tỉnh, chiếc xe máy đã lọt thỏm dưới gầm tàu với những tiếng rít ghê rợn… Đó chỉ là những vụ tai nạn điển hình, còn hàng chục vụ tai nạn nhỏ khác, khiến nhiều người bị thương mà hai ông không nhớ nổi. Ông Đại bảo: Hồi đó, nếu các ngành, các cấp không kịp thời có phương án làm barie để chắn, gác thì con đường dân sinh này mỗi năm cũng phải “nộp” vài mạng người cho tàu hỏa!
Xung phong làm người gác đường
Để không xảy ra những vụ tai nạn đau lòng như trên, tháng 4-2008, quận Liên Chiểu đã quyết định thuê người đứng cảnh giới tại con đường ngang dân sinh này với kinh phí ban đầu là 1 triệu đồng/tháng. Số tiền trợ cấp ít mà thời gian, trách nhiệm bỏ ra nhiều khiến chẳng mấy ai hứng thú nhận công việc. Lo cho tính mạng của người dân, ông Ca và ông Đại bàn bạc với nhau tự nguyện nhận gác đường với bao căng thẳng, nhọc nhằn. Để thuận lợi cho công việc, hai anh em chia nhau mỗi ngày hai ca, số tiền theo đó cũng chia ra mỗi người chỉ 500 nghìn đồng/tháng.
Lúc mới làm, hai ông chỉ lấy tạm hai thanh tre để gác, chắn. Đến nay, chính quyền địa phương đã xây dựng một barie và một trạm gác nhỏ để che nắng, che mưa. Số tiền trợ cấp hằng tháng của hai ông cũng được chính quyền nâng lên thành một triệu đồng/người/tháng.
Được biết, gia đình của ông Ca hết sức khó khăn. Trước đây, ông Ca làm nghề chài lưới rồi đi làm thợ “đụng”. Con đông, lại không được học hành nên cũng theo “nghiệp” cha. Gia cảnh ông Đại lại khó khăn hơn anh của mình, thuộc diện hộ đặc biệt nghèo, mỗi tháng phải nhận trợ cấp từ chính quyền địa phương. Khó khăn là vậy, song hai anh em ông không hề kêu ca. Thấy bố mình vất vả, con cái ông Ca khuyên ông nên nghỉ. Thế nhưng ông tặc lưỡi: Bố nghỉ thì ai sẽ làm đây. Tính mạng của hàng trăm người dân chứ chơi! Và cứ vậy, họ lặng lẽ đứng gác từ sáng đến tối, từ năm này qua năm khác. Nhờ có họ mà nhiều người dân đã thoát nạn bị tàu hỏa cán.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ