.

Học sinh tham gia giảm thiểu ảnh hưởng thiên tai

.
Dự án “Nâng cao năng lực cho các trường học quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại miền Trung - Việt Nam” với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do tổ chức SEEDS Asia (Nhật Bản) phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng triển khai thực hiện ở 4 trường học tại Đà Nẵng và địa bàn 2 phường của quận Hải Châu từ tháng 3-2010. Sau một năm thực hiện, đến nay dự án đã kết thúc và được đánh giá thành công trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Bà Motonori Tsuno, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cho rằng: So với các vùng miền ở Việt Nam thì miền Trung là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại thiên tai như: bão, lũ lụt… Trong đó học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra. Vì vậy, việc nâng cao ý thức và năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho đối tượng học sinh là rất cần thiết. Với mục đích giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các đối tượng dễ bị tổn thương, tổ chức SEEDS Asia đã phối hợp cùng Trường ĐHBK Đà Nẵng triển khai dự án này vào tháng 3-2010 tại 4 trường học và 2 phường có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nhất khi xảy ra thiên tai tại Đà Nẵng, bao gồm các Trường THCS Lê Thánh Tôn, THCS Tây Sơn, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, tiểu học Phan Đăng Lưu và phường Thuận Phước, Hòa Cường Bắc.
 
Cũng theo bà Motonori Tsuno, việc triển khai dự án này đã cung cấp kinh nghiệm phòng chống thiên tai của học sinh, người dân, cộng đồng, mỗi khi có thiên tai. Dự án đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng như sơ cấp cứu, luyện tập thoát hiểm, làm bao cát để gia cố, tìm kiếm nơi nguy hiểm và an toàn khi xảy ra thiên tai; xây dựng đội ngũ tình nguyện viên Chữ thập đỏ tại các lớp học. Bên cạnh đó, các khu vực dân cư còn được trang bị các kiến thức về đối phó với thiên tai, điểm trú ẩn an toàn…

Anh Phan Thanh Thế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu cho rằng: Nếu xảy ra thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là các em học sinh bậc tiểu học. Việc triển khai dự án này sẽ giúp các em học sinh có cách đối phó và phòng, chống tốt hơn về thảm họa do thiên tai gây ra. “Khi thực hiện dự án, nhà trường và tổ chức SEEDS Asia đã phối hợp chặt chẽ lập kế hoạch hoạt động, triển khai tập huấn cho giáo viên, học sinh đúng tiến độ. Toàn bộ giáo viên nhận thức đúng đắn xây dựng năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các trường học.
 
Đối với học sinh, qua tập huấn đã hiểu biết rõ hơn về thiên tai, hình thành các kỹ năng, năng lực ứng phó trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, qua các đợt tập huấn thực tế đã giúp học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông tin và phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra ở nhà trường và cộng đồng. Từ dự án này, toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch và thực hiện trong thời gian đến nhằm giảm nhẹ, phòng chống, đối phó, phục hồi khi thảm họa có thể xảy ra trong nhà trường và cộng đồng”, Hiệu trưởng Phan Thanh Thế khẳng định.

Còn theo đại diện của lãnh đạo phường Hòa Cường Bắc: Để chuẩn bị cho việc ứng phó trong công tác phòng chống thiên tai, hằng năm chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng lực lượng nòng cốt và tuyên truyền đến nhân dân các giải pháp ứng phó với thiên tai khi có bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế để phòng chống thiên tai, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không cao. Ngoài ra, sự nhận thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa chú trọng đến công tác phòng chống bão, lũ…; thậm chí một số hộ dân còn chủ quan khi có bão lũ, xảy ra.
 
Là địa phương được tham gia dự án này, nên trong các buổi làm việc, các giảng viên và báo cáo viên của tổ chức SEEDS Asia đã hướng dẫn địa phương và người dân về những kỹ năng cơ bản trong công tác phòng chống thiên tai như: việc xây dựng, chằng chống nhà cửa, biết tự làm các túi dụng cụ cá nhân và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, cách sơ cấp cứu người bị nạn, việc khôi phục lại nhà cửa, môi trường và kinh tế… Đặc biệt là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khi có thiên tai.

 Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khẳng định: Sự thành công của dự án sẽ tạo tiền đề để đưa các hoạt động ngoại khóa này vào chương trình học đường ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, nhằm duy trì các hoạt động đó để nâng cao nhận thức cho học sinh. “Bão lũ là quy luật của tự nhiên, diễn ra hằng năm, có sức tàn phá ghê gớm, gây nhiều thiệt hại, nếu hiểu biết rõ nó thì có thể có các biện pháp giảm thiểu tổn thương đến mức thấp nhất. Dự án này đã trang bị cho cộng đồng những kiến thức cơ bản để hằng năm họ tự lập kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro cho hộ gia đình, học sinh, giáo viên và nhà trường, từ đó kết nối chúng lại thành một hệ thống phòng ngừa thiên tai”, ông Hùng cho hay.

Ông Lê Minh Hùng (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng: “Một dự án thành công toàn diện khi biết kết hợp được hai yếu tố cơ bản là tính hiệu quả và tính bền vững. Dự án “Nâng cao năng lực cho các trường học quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại miền Trung - Việt Nam” do tổ chức SEEDS Asia phối hợp cùng Trường ĐHBK Đà Nẵng thực hiện tại Đà Nẵng đã biết kết hợp cả hai yếu tố đó. Qua một năm thực hiện, dự án đã rất thành công và tạo ra những tiếng vang tốt đẹp trong và ngoài thành phố.
 
Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.