.

Khi tôi 18

.
Khi 18 tuổi, bạn nghĩ gì về cuộc sống? Bạn muốn thể hiện sự trưởng thành của mình như thế nào? Mười tám tuổi, bạn đã có quyền của một công dân, nhưng liệu bạn có hiểu và ý thức được trách nhiệm của một công dân đối với xã hội. Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình “Khi tôi 18” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai đến các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc.
 
Ngay từ đầu năm học 2010-2011, những nội dung nằm trong chương trình “Khi tôi 18” đã được Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai đến 30 trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

Những bản tin “Khi tôi 18”

Mô tả ảnh.
Tự tin bước vào tuổi 18
Từ những buổi phát thanh đầu tiên của năm học 2010-2011, các bạn học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đã thực sự “sốc” trước những gì họ nghe được.  Khác với những chương trình trước đây, chỉ tập trung nói về thi đua của trường, lớp, các chương trình, kế hoạch học tập trong tuần tới ... Những nội dung mới mẻ của chương trình “Khi tôi 18” như: Kiến thức về pháp luật, kiến thức về giới, kỹ năng thực hành xã hội, thông tin về nghề nghiệp, việc làm... đã gây sự quan tâm, thích thú đối với phần lớn học sinh trong trường. Bên cạnh đó, nhằm thể hiện đúng tính chất cởi mở của chương trình, thời gian tới,  Đoàn trường dự định  mở thêm một website “Khi tôi 18” làm địa chỉ tin cậy cho các bạn học sinh tham gia sinh hoạt, chia sẻ những suy nghĩ, ước mơ, mong muốn của bản thân về tương lai, cuộc sống, trường lớp, bạn bè khi bước vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành.

Việc lồng ghép thêm những nội dung của chương trình “Khi tôi 18” không chỉ góp phần đổi mới, làm phong phú thêm các buổi phát thanh ở trường học (vốn được xem là món ăn tinh thần quen thuộc của học sinh THPT) mà còn thể hiện rõ nét hơn vai trò, vị trí của học sinh trong nhà trường; khuyến khích các em thể hiện trách nhiệm của mình đối với trường lớp. Em Đỗ Hồng Thủy, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Từ năm học này, tụi em sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về các chương trình phát thanh ở trường. Các thầy cô và Đoàn trường chỉ làm người cố vấn. Để thực hiện đúng tinh thần của một chương trình phát thanh “Khi tôi 18”, tụi em phải tìm hiểu và đọc rất nhiều sách cũng như văn bản pháp luật.
 
Đây là những vấn đề rất bổ ích cho chúng em khi bước vào tuổi trưởng thành, nhưng lâu nay chưa mấy ai nói cho biết”. Ngoài các bản tin phát thanh, nội dung của chương trình “Khi tôi 18” còn được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập thể như chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chi đoàn, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp… Không bó hẹp phạm vi ở các tỉnh, thành phố, chương trình còn thành lập diễn đàn “Khi tôi 18”, sử dụng  Blog, chia sẻ ảnh, video clip… để thanh niên, vị thành niên chia sẻ suy nghĩ, khi bước vào tuổi 18,  trở thành công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ; cũng như những người đã qua tuổi 18 chia sẻ những kinh nghiệm với các bạn sắp bước vào tuổi 18 tại địa chỉ www.khitoi18.cyworld.vn.

 Một chương trình thiết thực

Chương trình “Khi tôi 18”được nhiều Đoàn trường đánh giá là khá thiết thực và gần gũi với học sinh nói chung, các em ở độ tuổi 18 nói riêng. Anh Phan Thanh Đức, Bí thư Đoàn trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “ “Khi tôi 18” là chương trình ý nghĩa, góp phần cung cấp cho học sinh những kiến thức xã hội quan trọng, giúp các em bước đầu ý thức được trách nhiệm của bản thân khi đã trở thành một công dân của xã hội. Những nội dung của chương trình rất thiết thực. Ngay từ  buổi sinh hoạt đầu tiên các em đã cho thấy sự háo hức khi được tham gia vào một chương trình dành riêng cho mình”.

Anh Nguyễn Duy Minh, Phó Ban Thanh thiếu nhi trường học Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Khi tôi 18” là chương trình giúp đoàn viên thanh niên có dịp giao lưu, chia sẻ và nói lên những ước mơ, hoài bão của mình. Đó cũng là dịp chúng tôi hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của các em để phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức những hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho các em kiến thức tốt nhất khi bước vào đời. Chúng tôi đã triển khai đến tất cả các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Ngoài ra sẽ tổ chức chương trình cấp thành phố vào thời gian tới”.

Tuổi 18 là lứa tuổi đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Là độ tuổi mà các em học sinh chính thức bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với tư cách của một công dân. Đây là thời điểm các em rất cần đến sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội. Chuẩn bị cho các em một lưng vốn kiến thức, kỹ năng tốt, sẽ là cách tốt nhất để giúp hành trang vào đời của các em vững vàng hơn.
 
tin và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.