Ngay sau khi Phan mất (24-3-1926), một Hội đồng trị sự lo đám tang cụ Phan Châu Trinh đã được thành lập gồm 16 người. Tất cả đều là những người có vị trí xã hội như Luật sư, chủ báo, Ủy viên Hội đồng thuộc địa, Ủy viên Hội đồng thành phố…, trong đó có những người yêu nước cấp tiến là bạn chiến đấu của Phan như Phan Văn Trường, Khánh Lý, Trần Huy Liệu.
Không rõ trong 16 người này, nhóm chủ chốt là những ai, hay có một người (một nhóm) nằm ngoài danh sách này đã lèo lái, điều hành công việc tổ chức tang lễ. Nhưng điều ta có thể chắc chắn với tên tuổi 16 người Hội đồng trị sự là một tổ chức đại diện khá rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam, những nhân vật này khiến bộ máy cai trị thực dân phải kiêng nể, không dễ gì đàn áp, khủng bố.
Lời đạt của Hội đồng trị sự đã khẳng định “cụ Phan là một vị ái quốc anh hùng, có nhân cách cao thượng, có khí tiết hào hùng, đứng đầu trong cuốn Việt Nam phục hưng sử” và nêu rõ “một dân tộc nào không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc. Chính phủ chẳng hề ra lệnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động một cách có trật tự”. Rõ ràng nội dung chủ yếu của việc tổ chức tang lễ là biểu dương lòng ái quốc và được cử hành hợp pháp.
Có thể nói Hội đồng trị sự (như cách gọi ngày nay Ủy ban lễ tang) đã tổ chức điều hành, chỉ đạo mọi công việc rất chặt chẽ, bài bản đâu ra đấy.
1- Trước hết để có thời gian cho việc tổ chức một sự kiện trọng đại, Hội đồng trị sự đã quyết định 9 ngày sau khi Phan mất, ngày 4-4-1926 mới đưa linh cữu Phan về nơi an nghỉ cuối cùng, và ngày 2-4 mới tiến hành lễ viếng ở 54 Pellerin Sài Gòn.
Họ đã quyết định mua một quan tài kẽm và tiến hành nhập quan ngày 25-3 dưới sự kiểm tra của một bác sĩ Pháp đúng như các quy định của Nhà nước.
Có thể nói lịch trình tổ chức tang lễ là cần thiết để có thời gian tập hợp và huy động lực lượng nhân dân tham gia và để những người kính mộ Phan ở Hà Nội và Bắc Kỳ, ở quê hương Phan, Trung Kỳ có thể có mặt.
2- Hội đồng trị sự có đưa ra yêu cầu ở Sài Gòn và các nơi gần đó, các trường học và chủ nhà buôn bán công nghệ An Nam sẽ đóng cả ngày 4-4-1926 (bãi công, bãi khóa, bãi thị). Các tỉnh khác cũng bãi thị, bãi khóa vào thời gian ấy.
Mỗi tỉnh cử một viên đại biểu về Sài Gòn điếu tang và tổ chức tại địa phương một hội truy điệu.
Hội đồng trị sự hướng dẫn ở địa điểm tổ chức Hội truy điệu (nhà tư hoặc nhà hội) nên đặt một hương án, trên hương án có một bài vị đề hàng chữ Việt Nam chính trị cách mạng gia, Phan Châu Trinh tiên sinh chi vị, rồi tập hợp anh em đứng xếp hàng mà làm lễ ba khấu tỏ dấu bi ai là đủ.
Với một tang lễ có hàng chục ngàn người tham gia, Hội đồng trị sự đã có những quy định rất đơn giản, tiết kiệm, dễ thực hiện như đồ phúng điếu chỉ là tiền bạc hay câu đối viết vào vải trắng, không trưng bàn phúng, hay là vòng hoa. Hội đồng trị sự cũng chuẩn bị sẵn sàng băng tang là miếng vải đen nhỏ cho người mặc áo trắng, miếng vải trắng cho người mặc áo đen. Một số nhà buôn đã làm sẵn những miếng vải đó, phát miễn phí cho mọi ai tham gia tang lễ.
3- Về hàng chữ đề trên bài vị, đến nay không rõ là sáng kiến của ai. Có thể là của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Vì bị thực dân ngăn cản, mãi đến ngày 24-3 trước lúc Phan mất mấy giờ cụ Huỳnh mới vào được Sài Gòn, đến bên giường bệnh, kịp thấy cụ Phan mỉm cười và thì thầm lời trăn trối cuối cùng “Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc”.
Cụ Huỳnh không có trong danh sách 16 người của Hội đồng trị sự nhưng là một trong 4 người đọc điếu văn với danh nghĩa đại diện cho đồng bào Trung Kỳ.
Hơn ai hết cụ có vị trí để viết lời đề trên bài vị. Cụ Huỳnh là người viết và công bố sớm nhất các công trình tác phẩm về Phan Châu Trinh với những nét chân thực, sống động về nhân cách, cá tính và cả về những dật sử của Phan. Cụ không chỉ khẳng định Phan là một chí sĩ yêu nước “cùi cụi một mình, xông pha trăm ngả, ngậm đắng nuốt cay, càng ngã xuống, càng đứng lên, càng bị thua càng hăng hái, trước sau ôm một cái chủ nghĩa xướng minh nhân quyền, đả phá chuyên chế” mà còn tôn vinh Phan là một nhà chánh trị cách mạng đầu tiên của nước ta vậy”.
Lời đề ấy thật là một nhận định khái quát mà súc tích hết sức xác đáng về sự nghiệp của Phan, một sự ca tụng hết mực vai trò của Phan trong lịch sử dân tộc.
Chúng ta đều biết cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược đô hộ nước ta, khắp cả nước các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng liên tiếp nổ ra với bao tấm gương về lòng yêu nước nhiệt thành và khí phách anh hùng lẫm liệt nhưng như một nhận xét của Tiểu La Nguyễn Thành được Phan Bội Châu ghi lại “không ai có một ý tưởng mới nào, tất cả đều trong khuôn khổ tôn quân thảo tặc”.
Chỉ đến Phan Châu Trinh và các đồng chí của mình như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, cuộc vận động giải phóng dân tộc mới gắn với học thuyết tự do dân quyền. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bức liễn viếng Phan trên đề Nam quốc dân quyền tiên tổ chức, và nhiều người đã ca ngợi Phan là dân quyền tiên đạo, dân quyền tiên xướng.
Nên nhớ rằng lúc này ở nước ta chưa có bất cứ một tổ chức chính trị nào có vai trò lãnh đạo trên phạm vi toàn quốc, vậy mà ở Sài Gòn và ở khắp cả mọi nơi, lễ tang Phan được tổ chức trang nghiêm, trọng thể và hàng chữ Việt Nam cách mạng chính trị gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi vị đều có trên linh vị, đã thể hiện một sự đồng thuận chính trị rộng rãi của nhân dân.
Tiến sĩ Thu Trang có một nhận xét rất sâu sắc “nhân dân không thể xét lầm cả một tập thể khi được quyền nhận định thì không thể sai. Nhân dân suốt từ Nam chí Bắc đã đánh giá sự nghiệp của nhà chí sĩ suốt đời hy sinh vì nước, chỗ đứng trong lịch sử của Phan Châu Trinh đã được đặt rồi”.
4- Không rõ từ thảo luận (hiệp thương) như thế nào mà Hội đồng trị sự quyết định có 4 người đọc điếu văn trước khi hạ huyệt. Chúng ta xem đây có thể là phương án tốt nhất trong điều kiện đám tang được tổ chức ở Sài Gòn có sự theo dõi chặt chẽ của nhà cầm quyền thực dân.
Bùi Quang Chiêu, một nhân vật được thực dân Pháp sử dụng như một cái phanh để hãm phong trào yêu nước đồng thời giành uy tín trong quần chúng. Chắc chắn những người yêu nước cấp tiến biết rõ điều này, họ phải chấp nhận để tạo thế hợp pháp đặng thực hiện mọi yêu cầu của lễ tang. Điếu văn của Chiêu nhấn mạnh đến khía cạnh ỷ Pháp cầu tiến bộ, Pháp-Việt đề huề mà không đề cập gì đến ý chí dân tộc tư tưởng xướng minh nhân quyền đả phá chuyên chế của Phan nên không gây ấn tượng gì trong tang lễ.
Điếu văn của người thay mặt nhân viên Sở Ba Son, cơ sở công nghiệp lớn nhất, nơi có đông đảo giai cấp công nhân nhất đã nói “bọn chúng tôi trong chỗ sinh nhai phải chịu đồ khổ, lao động cháy da, phỏng trán, đoạn nỗi rủi ro mang lấy tật nguyền, chúng tôi còn cả tiếng kêu nài công lý hơn nữa và dù học thức ít ỏi cũng đủ phân điều hơn thiệt, cũng biết người cương liệt vị quốc vong thân mà mến đức” và kêu gọi “anh em tâm huyết ta ơi, đường đời hãy còn nhiều nỗi chông gai, vậy thì đồng bào ta hãy vịn lấy nhau mà noi dấu tiền hiền cho người quá vãng, ngậm ngùi nơi cõi thọ”.
Lời điếu của ông Huỳnh Đình Điển, Chủ tịch Hội Gò Công tương tế, chủ sở hữu nghĩa địa Gò Công thật chân thành, cảm động. Được biết, Phan lâm trọng bệnh khó bề qua khỏi và không có thể đưa Phan về an nghỉ tại quê nhà, ông Huỳnh Đình Điển đã chủ động xin cho nghĩa địa Gò Công (Sài Gòn) được là nơi an nghỉ của Phan, xem đó là điều hạnh phúc. Nghĩa cử này thật là cao đẹp nhưng ông đã thể hiện với tất cả sự khiêm tốn và đầy trách nhiệm: “Chẳng may Cụ tạ thế ở trong Nam, hài cốt quý báu của Cụ gửi trong một khoảng đất này, tuy hẹp hòi thấp thỏi, không xứng với tâm tình cao thâm của Cụ nhưng cũng là một khoảng đất Việt nên có lẽ cụ cũng vui lòng nơi chín suối.
Chúng tôi cúi xin Cụ an giấc nghìn thu, chúng tôi nguyện sẽ chăm sóc, giữ gìn, bồi bổ phần mộ của Cụ đời đời”.
Lời điếu của Huỳnh Thúc Kháng, thay mặt cho đồng bào Trung phần ca ngợi Phan là người ái quốc nhiệt tình, tài học lịch duyệt, giàu nghị lực, khí tiết, hơn 20 năm bị tù bị đày ở nước này sang nước khác, trải bao phen nguy hiểm, một lòng với chủ nghĩa đánh đổ chuyên chế làm cho dân quyền tự do, vừa bày tỏ sự kính mến tiếc thương vô hạn, vừa mong muốn những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc.
So với những luận văn khác về Phan Châu Trinh của cụ Huỳnh, lời điếu này đã được duyệt trước nên không sắc sảo quyết liệt nhưng trong một lễ tang hợp pháp đây cũng là thể hiện sự khôn khéo và rất can đảm.
(Còn nữa)
Nguyễn Đình An
(Những tư liệu trong bài viết này lấy từ cuốn Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh, Nhà xuất bản Đà Nẵng).
(Những tư liệu trong bài viết này lấy từ cuốn Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh, Nhà xuất bản Đà Nẵng).