Ngày 17-6-2010, UBND thành phố ban hành Công văn số 3597 cho phép các hộ dân trong các dự án đã công bố quy hoạch nhưng chưa triển khai giải tỏa đền bù, có nhu cầu thực sự bức xúc về chỗ ở được phép sửa chữa, cơi nới, xây dựng nhà cấp 4 để ở, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND phường, xã.
Trước khi tiến hành sửa chữa, xây dựng, chủ hộ có văn bản báo cáo UBND phường, xã tiến hành kiểm tra thực tế, xác nhận cụ thể để làm cơ sở đền bù khi triển khai giải tỏa. Tiếp đó, ngày 3-11-2010, UBND thành phố ban hành Công văn số 6908 cho phép các hộ có hồ sơ đất “3 lá” nằm trong các khu vực của dự án đã công bố quy hoạch nhưng chưa triển khai, được xây dựng nhà cấp 4, sửa chữa nhà (không được xây dựng nhà kiên cố), nhằm tạo điều kiện ổn định chỗ ở và đời sống. Các phường, xã và bộ phận có liên quan kiểm tra cụ thể từng trường hợp có nhu cầu, hướng dẫn nhân dân có đơn xem xét, giải quyết… Ngày 13-12-2010, UBND thành phố tiếp tục có văn bản cho phép hộ dân chỉ được phép xây dựng trên đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất khuôn viên và chỉ được phép xây dựng nhà cấp 4 với diện tích xây dựng, sửa chữa không quá 50m2.
Điều lo lắng là nhiều người dân sẽ lợi dụng chủ trương này để tiến hành xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Nhưng nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, giải thích và quá trình xét duyệt được tiến hành chặt chẽ, đúng thực tế, đến nay UBND xã Hòa Ninh mới đồng ý cho 2 hộ bức xúc thực sự về nhà ở được xây dựng nhà cấp 4. “Chủ trương của thành phố là rất đúng, người dân cũng cầm bản photo công văn của thành phố lên gây áp lực với xã, nhưng không phải vì thế mà đồng ý để dân xây dựng tràn lan, sẽ gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng sau này. Mỗi hộ được xây dựng nhà cấp 4 đều có sự kiểm tra của xã lẫn xác nhận của thôn. Đồng thời mỗi hộ phải cam kết thêm là tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng khi có chủ trương giải tỏa, đền bù” - ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết.
Xã Hòa Ninh thời gian qua cũng đã làm tốt việc phòng ngừa và chống xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Ông Tân cho biết thêm: “Qua giải thích, vận động, nhiều người dân đã chấp hành, tự tháo dỡ phần cơi nới, xây dựng trái phép. Song trong năm 2009 và 2010, xã cũng buộc phải ra quyết định xử phạt hành chính 17 trường hợp (2 triệu đồng/trường hợp), đồng thời yêu cầu chủ hộ tự tháo dỡ. Nếu không chấp hành, xã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ ngay. Nhờ kiên trì giải thích, vận động và kiên quyết cưỡng chế, tình trạng xây dựng nhà trái phép trên địa bàn xã không “nóng” như địa phương khác.”.
Còn ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho hay: “Để tránh xây dựng tràn lan, xã phối hợp với thôn kiểm tra chặt chẽ về hoàn cảnh, bức xúc thực tế, đến nay chỉ mới đồng ý cho 2 hộ xây dựng. Đối với những trường hợp xây liều, xã lập ngay biên bản đình chỉ xây dựng và yêu cầu tự tháo dỡ. Nếu sau 4 giờ vẫn chưa tháo dỡ, xã sẽ cưỡng chế”. Còn tại phường Hòa Khánh Nam, nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, vận động và kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của Hội đồng tư vấn, hỗ trợ về lĩnh vực đất đai và xây dựng của phường, người dân đã chấp hành đúng chủ trương, những hộ được phép xây dựng rất phấn khởi, chỉ xây dựng, sửa chữa nhà trong diện tích và quy mô cho phép.
Chủ trương cho phép xây dựng nhà cấp 4 để ở kèm theo những quy định sát sườn đã thực sự giải quyết được nhiều khó khăn cho những hộ dân ở trong các vùng dự án đã công bố quy hoạch nhưng chậm triển khai, đồng thời cũng đòi hỏi sự nỗ lực, dân vận khéo của các địa phương. Tuy nhiên, đối với những dự án đã chậm triển khai nhiều năm, quy định người dân không được tách thửa cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây khó khăn cho các hộ có đông nhân khẩu. Một số hộ muốn xây dựng nhà cấp 4 nhưng đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và đất khuôn viên, nên đành phải chịu. Thực tế này cần sự quan tâm, nghiên cứu giải quyết của thành phố.
Bài và ảnh: Hoàng Hiệp