Những ngày qua, tiếp theo những biến động chính trị ở Libya, những gia đình tại Đà Nẵng có người đi lao động ở Libya đang mỏi mòn trông ngóng người thân mau chóng trở về. Tất cả đang theo dõi từng giây phút tình hình sắp xếp đón lao động về nước của Chính phủ Việt Nam.
Những lao động đầu tiên đã rời Lybya về nước an toàn. (ảnh: Internet) |
Mong từng ngày
Trưa hôm qua (3-3), anh Phạm Văn Hải (đường Đào Duy Từ, Đà Nẵng) là anh ruột của Phạm Quang Huy, sinh năm 1979, kỹ sư xây dựng tại Libya đã không giấu vẻ lo lắng khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng. Anh Hải cho biết, Huy đi xuất khẩu lao động từ năm 2009, dự kiến tháng 5 này về nước. Theo anh Hải, hiện nay, anh Phạm Quang Huy cùng nhiều lao động khác đang tạm lánh tại vùng biên giới Algeria và Libya. Việc ăn, ở và sức khỏe vẫn ổn. Anh Huy hằng ngày vẫn liên lạc qua điện thoại với gia đình ở Đà Nẵng. Chỉ có điều, mọi thông tin, diễn biến tại Libya và Việt Nam anh Huy biết được đều do người nhà cung cấp. Từ khi có tin bất ổn chính trị ở Libya, cả gia đình đều không bỏ sót bất kỳ buổi thời sự quốc tế nào trên đài truyền hình, nhiều lúc quên cả mâm cơm.
Anh Hải cho biết: “Tôi phải động viên mọi người trong gia đình rằng, mọi chuyện vẫn tốt đẹp để họ yên lòng. Chúng tôi chỉ trông những chuyến bay đưa lao động về nước mau đến Algeria để em Huy được trở về an toàn. Gia đình cũng rất mong đợi vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”. Không chỉ riêng anh Hải, mà nhiều gia đình có con đi xuất khẩu lao động sang Libya cũng đang trong tâm trạng lo lắng, mong chờ ngày con trở về đoàn tụ.
Cơ quan chức năng cũng chờ...
Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết: Theo báo cáo của các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố, hiện có 5 lao động người Đà Nẵng đi xuất khẩu lao động sang Libya chưa về nước do Công ty CP Nhân lực và thương mại Vinaconex tại Đà Nẵng đưa đi. Trong số 5 lao động này, 2 trường hợp đã quá cảnh từ Libya sang Thổ Nhĩ Kỳ, 3 trường hợp đang ở Libya. Nhìn chung, các lao động đều không có vấn đề về sức khỏe và sẽ được đưa về nước trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, còn một số lao động người Đà Nẵng đi xuất khẩu sang Libya chưa về nước nhưng không thông qua các công ty tại Đà Nẵng thì chưa thống kê được. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng hôm qua, bà Trần Thị Bích Liên - Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng - cho biết: “Năm đơn vị mà Sở quản lý trên địa bàn thành phố làm công tác xuất khẩu lao động là: Công ty CP Thương mại và xây dựng Cosevco, công ty TNHH MTV DVTM CCCI-CN Đà Nẵng, Công ty CP Procimex Việt Nam, Chi nhánh Công ty CP Nhân lực và thương mại Vinaconex tại Đà Nẵng và Trung tâm GTVL Đà Nẵng - Sở LĐ-TB&XH. Hiện đang chờ chỉ đạo từ trên để tiến hành thăm hỏi, động viên người lao động và gia đình của họ khi về nước.
Đà Nẵng cũng sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để người lao động từ Libya về có được cuộc sống ổn định và việc làm mới”. Về trường hợp người lao động đi xuất khẩu sang Libya qua môi giới, bà Liên cho biết: Dù thông qua môi giới nhưng công ty đưa người đi xuất khẩu lao động sang Libya sẽ có trách nhiệm cùng Chính phủ đưa người lao động về nước an toàn. Theo chủ trương chung, những lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm. Ngoài ra, người lao động từ Libya về nước sẽ được khoanh nợ tại ngân hàng.
Phương Trà-Thu Hoa