.

Nơi bắt đầu những ước mơ

.

Trẻ trung, xinh đẹp nhưng đôi chân bị tật nguyền, cô gái ấy tưởng như mọi cánh cửa đều khép lại với mình. Vậy nhưng, khi đến Đà Nẵng, cô đã được tư vấn tâm lý, tìm được việc làm, và mọi thứ chỉ mới bắt đầu...

“Tôi hạnh phúc bởi tôi tự tin”

 

NG-KH-TAT-3.jpg
Người khuyết tật đang làm việc tại Công ty TNHH Onedanar Đà Nẵng.

Bị tật bẩm sinh từ nhỏ, đôi chân của Nguyễn Thị Thu (31 tuổi, quê ở Quảng Bình) đã không thể đi lại được. Bế tắc, số phận đã đưa cô đến với Đà Nẵng. Tại thành phố này, Thu đã được tư vấn học nghề và được tham gia vào các hoạt động dành cho người khuyết tật do VNAH (Hội người khuyết tật Việt Nam) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng tổ chức. Giờ đây Thu cùng với 5 bạn có cùng cảnh ngộ với mình đã được nhận vào Trung tâm dịch vụ FPT để làm công việc nhập dữ liệu vào máy tính với mức lương kha khá. Thu bộc bạch: “Trước đây, em luôn tự ti trước những khiếm khuyết của cơ thể nhưng ở đây, chúng em luôn được đối xử bình đẳng, được hưởng nhiều dịch vụ tiện ích khác, đặc biệt được đi xe buýt miễn phí tuyến Đà Nẵng-Hội An. Giờ đây, em tự tin là mình có thể làm được những việc có ích cho xã hội”.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng cho biết: “Từ nhiều năm nay, các tổ chức như: UNICEF, VNAH, EMW, SC, HOH, SEAR, AOG, COV, WV... đã hỗ trợ cho người khuyết tật (NKT) của thành phố trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, việc làm, sửa chữa nhà ở... Năm qua, Sở cũng đã tham mưu và UBND thành phố đã đồng ý tăng 15% mức trợ cấp đang hưởng về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội”. Hiện nay ở Việt Nam rất khó để tìm được những tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật.

Tuy vậy, ở Đà Nẵng đang có đến hai đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật là đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đặc biệt, hiện thành phố có đến 60 doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật như: Công ty TNHH Onedanar, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thủ Đô, Công ty TNHH may Tâm Thiện, Công ty TNHH N.Trung… Chỉ tính riêng dự án “Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho NKT tại Đà Nẵng” của tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) triển khai từ năm 2008 trên địa bàn thành phố đến nay đã giúp trên 1.300 người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa người khuyết tật bước lên sàn giao dịch việc làm vào ngày 15-4-2009. Đến nay, qua nhiều phiên giao dịch việc làm ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, hàng trăm người khuyết tật đã tìm được việc làm phù hợp, ổn định, tự nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội.

Chung tay vì người khuyết tật

 

Ngoài kinh phí cấp cho các ngành hằng năm, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã huy động các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân hỗ trợ trên 61 tỷ đồng cho người khuyết tật.

Đến nay, tại Đà Nẵng, 100% người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội được trợ cấp hằng tháng. Năm 2010, tổng số người tàn tật thuộc diện bảo trợ xã hội là gần 7 ngàn người, trong đó có hơn 6.500  người đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng, trên 400 người hưởng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện tất cả các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đều được cấp thẻ BHYT. Tại 56/56 xã, phường trên địa bàn thành phố đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dịch vụ cộng đồng và đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chỉnh hình phục hồi chức năng và phần lớn trẻ em khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, tập phục hồi chức năng.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến nay đã phối hợp với tổ chức EMW xây dựng mạng lưới cộng tác viên phục hồi chức năng tại cộng đồng (179 người) và 81 điểm phục hồi chức năng tại cộng đồng cho người khuyết tật ở các phường của 4 quận: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố cũng đã thu hút 401 trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở các trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật, huy động 904/1124 trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học (6-11 tuổi) ra lớp học hòa nhập (82%), 505 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ đồ dùng học tập và các điều kiện vật chất khác.

Hiện thành phố có 4 xe buýt trợ giúp người khuyết tật đi xe lăn miễn phí đã hoạt động thí điểm tuyến Đà Nẵng đi Hội An. Theo chủ trương của thành phố, tất cả các công trình xây dựng, giao thông công cộng mới được thiết kế có hạng mục phù hợp với đặc điểm người khuyết tật. Sở Thông tin-Truyền thông đang thực hiện chương trình “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cho người khuyết tật”, tham mưu UBND thành phố triển khai đề án “Hỗ trợ xây dựng và thử nghiệm mô hình việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông cho người khuyết tật”. Đáng nói nhất, hiện nay hầu hết người khuyết tật trên địa bàn thành phố thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xóa nhà tạm và sửa chữa nhà ở...

Với sự chung tay của xã hội, người khuyết tật giờ đang bắt đầu thực hiện những ước mơ bằng việc làm có ích.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.