Đến hẹn lại lên, cứ y như rằng sau một kỳ nghỉ Tết, biết là giá sẽ tăng, nhưng không ngờ năm nay giá lại tăng đến thế… Và những sinh viên đang sống trọ học xa nhà lại phải chật vật với… bão giá.
Sau Tết, giá lại tăng…
Giá cả tăng, sinh viên lại phải tiết kiệm từng ngày trong chi tiêu. |
Bạn Trần Thị Phương, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế II cho biết: “Mỗi tháng em được gia đình cho 800 ngàn đồng để chi tiêu, nếu ở một mình với khoản tiền đó thì không đủ. Em chọn cách ở với nhiều bạn, đa số bọn em thường ở ghép một phòng 700.000 đồng/tháng... Trong tháng có đủ thứ khác cần phải chi tiêu như tiền ăn, sách vở, điện, nước, sinh nhật... giờ thứ gì cũng tăng giá, đi chợ cũng mua chừng đó đồ ăn nhưng số tiền đã tăng lên… Mỗi lần đi chợ bọn em phải tính toán kỹ, món ăn chủ yếu thường chỉ có rau và đậu phụ”, Phương tâm sự.
Theo khảo sát, hầu như các loại thực phẩm tại các chợ đều tăng giá từ 1.000 đồng đến 10 ngàn đồng một món. “Chỉ trong vài ngày sau Tết, những mớ rau muống ngày thường chỉ 3.000 đồng nay đã phải mua tới 5.000 đồng. Thậm chí đậu phụ vốn được coi là món ăn quen thuộc của sinh viên thì giờ cũng bị “bóp” lại nhỏ bằng một nửa trước đây”, bạn Phạm T. Phượng, sinh viên Trường Cao đẳng Đông Á than thở.
Không chỉ có giá thực phẩm tăng, tại nhiều khu nhà trọ, giá phòng cho thuê cũng được đẩy thêm lên từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với những căn phòng rộng. Nhiều phòng do đã trả trước 3 hoặc 6 tháng thì chủ nhà lại có cách tăng khác thông qua các khoản như phí vệ sinh, phí trông giữ xe, tiền điện, nước...
Ứng biến với “bão giá”
Để sống chung với thời điểm giá tăng hiện nay, nhiều sinh viên đã tự cắt giảm các khoản tình phí, giao lưu bạn bè. Thay vì trước đây hay tổ chức sinh nhật, chủ tiệc phải móc túi bao trọn, thì bữa nay các bạn thống nhất góp lại với nhau. Với hình thức chia đều theo kiểu “hợp tác xã” để giảm gánh nặng cho người tổ chức. Một số bạn đã góp tiền nấu ăn chung với nhau và giảm tối đa các khoản chi tiêu “phù phiếm”.
Nguyễn Duy Khánh, sinh viên Trường Y tế II cho biết: Em có một nhóm bạn, trước đây, bọn em hay tụ tập cà-phê, thì nay ít tụ tập hơn trước. Nếu có tổ chức sinh nhật, hay đi chơi thì góp lại với nhau... Đối với những bạn đã có người yêu, giá cả tăng cũng khiến bọn em “đau đầu”. Như em, tuy bạn gái em không đòi hỏi phải đi chơi chỗ này chỗ nọ, nhưng cũng không thể ở phòng trọ miết được, còn đi chơi thì sợ không đủ tiền…”.
Giá cả tăng, nhiều sinh viên đã tìm cách ứng biến bằng hình thức chọn cho mình những công việc làm thêm như dạy thêm, chạy bàn, hướng dẫn viên du lịch, bán hàng… ngoài cơ hội để thử thách bản thân, cũng mang lại những khoản thu nhập đáng kể cho sinh viên, đối phó sự leo thang của giá cả hiện nay.