.

Tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng xuất khẩu, giảm đầu tư công

.

* Đà Nẵng tiết kiệm chi tiêu hơn 51 tỷ đồng trong năm 2011

Chiều ngày 18-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điều hành cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, trao đổi những khó khăn, tồn tại và những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian đến. Đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Đồng chí Trần Văn Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: MỸ HẠNH

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tất cả các bộ, ngành và địa phương đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tập trung tổ chức chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bước đầu cho thấy, nền kinh tế trong nước đã đạt những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng trưởng của quý 1 năm 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp quý 1 ước tăng 14,7%, cao hơn mức tăng bình quân cả năm 2010. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu quý 1 ước đạt tốc độ 31%, cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao, ước tính hai tháng đầu năm tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ tập trung chỉ đạo và thực hiện kiên quyết các giải pháp đồng bộ về huy động vốn, cho vay, lãi suất, quản lý ngoại hối, tỷ giá, nên việc quản lý tiền tệ và tín dụng đạt kết quả tích cực. Tính đến 10-3-2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với tháng 12-2010. Lãi suất huy động từ 16-17% giảm xuống 13-14%, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do được xóa bỏ; thị trường mua bán vàng miếng đang dần ổn định trở lại. Việc rà soát, bố trí vốn đầu tư đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực. Tuy nhiên, trong quý 1, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao. Tháng 3 so với tháng 2 tăng 2,2%, so với tháng 12-2010 tăng 6,1%. Việc quản lý giá cả, chống buôn lậu làm chưa đồng bộ, đặc biệt là việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Văn Minh cho biết, thành phố Đà Nẵng đã tổng hợp và báo cáo số tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên về Bộ Tài chính và đã tạm thông báo đến các đơn vị để có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu với tổng kinh phí tiết kiệm 10% của thành phố là 51 tỷ 410 triệu đồng. Theo Chủ tịch Trần Văn Minh, Đà Nẵng đang quan tâm đến việc quản lý ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân cũng như các biện pháp giải tỏa băn khoăn của nhân dân về việc không cho kinh doanh vàng miếng. Đồng chí cho rằng, việc quản lý và siết chặt tín dụng cần có sự linh hoạt để vừa không ảnh hưởng đến sản xuất, vừa tạo điều kiện cho lĩnh vực phi sản xuất như xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư… tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, lạm phát tăng cao trong quý 1 (6,1%) sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, trong khi đó, tình hình chính trị thế giới và thiên tai sẽ còn tác động mạnh đến nước ta. Thời gian đến, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, vàng, đẩy mạnh xuất khẩu, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, tiết kiệm chi công và đặc biệt chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội.

Ngoài ra, tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát tổng dư nợ tín dụng, giảm cung tiền để giảm phương tiện thanh toán. Đồng thời, kiên quyết xóa bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép, giảm dần nhập siêu năm 2011 xuống dưới 16% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011, tăng cường quản lý thị trường và giá cả; thực hiện các biện pháp ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương; nghiên cứu tiếp về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu trong điều kiện giá cả tăng cao.

M.H

;
.
.
.
.
.