.

Các khu công nghiệp: Thiếu nhà trẻ

.

Cũng như một số thành phố lớn khác, những năm gần đây, dòng người nhập cư đến Đà Nẵng khá đông, nhất là tại các khu công nghiệp, trong đó có đến 80% là nữ công nhân. Chuyện gửi con ở đâu vẫn là vấn đề bức xúc với họ và kéo theo đằng sau nó là những hệ lụy...

Mô tả ảnh.
Trẻ em cần được chăm sóc trong một môi trường bảo đảm để phát triển thể chất và trí tuệ.

 

Nhắm mắt đưa...con đi gửi

Con gái đã được 4 tháng, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Ngân (29 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), công nhân khu công nghiệp An Đồn vẫn chưa thể trở lại nhà máy làm việc. Chị than thở: “Bà nội thì già yếu, còn bà ngoại cũng phải đi làm kiếm sống nên mình đành phải nghỉ việc trông con, bởi cháu còn quá bé nên không đâu người ta nhận”. Chồng cũng làm công nhân với mức thu nhập không quá 3 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khá chật vật. Nhiều nữ công nhân có con nhỏ khác chọn giải pháp rước ông bà ở quê lên chăm cháu, nhưng cũng chỉ được một vài tháng rồi thôi.

Còn chị Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, ở Đà Nẵng), công nhân Công ty CP Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang thì lại chọn giải pháp gửi con ở nhà trẻ tư nhân gần nơi trọ. Vừa ủi áo quần cho bé, chị vừa nói: “Mấy hôm nay không có nguyên liệu sản xuất nên mới gặp mình ở nhà, chứ mọi ngày phải đi làm tối ngày, bé Châu phải gửi nhóm trẻ mầm non tư thục gần nhà”. Nhìn tấm ảnh cô bé 4 tuổi cười toe toét trong hình, tôi hỏi: “Bé lớn rồi, sao chị không gửi vào học trường mẫu giáo công lập cho bảo đảm?”. Chị cười buồn: “Mình lương chưa đến 2 triệu đồng, ông xã được hơn 3 triệu nữa, trong lúc phải lo đủ thứ tiền nào nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe... đâu có đủ. Trước mình gửi bé vào Trường mầm non tư thục Khai Tâm, trường ra trường, lớp ra lớp nhưng giá cao, gần hết suất lương của mình nên chuyển bé qua nhóm trẻ tư thục Minh Đức “chỉ” 650 ngàn đồng/tháng, mới đủ chi phí!”.

Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, chúng tôi thấy nhan nhản bảng “Giữ trẻ tại gia, giá rẻ” mọc lên như nấm, trong số đó có cả được cấp phép và không phép. Các “bảo mẫu” ở đây hầu hết đều chưa hề được đào tạo qua trường lớp nào, tận dụng nhà ở làm nơi trông giữ trẻ để kiếm sống. Điều kiện sống của họ cũng không bảo đảm thì nói gì đến đủ điều kiện để trông trẻ. Khi được hỏi, một nữ công nhân có con nhỏ đang gửi ở một nhóm trẻ tại gia cười buồn: “Làm cha mẹ ai lại chẳng mong gửi con vào nơi tốt. Gửi mấy chỗ này mình cũng lo lắm, nhưng đành chấp nhận. Với lại bọn mình làm tăng ca, mà trường công lập chỉ trông trẻ từ 7 đến 16 giờ thì lấy ai chăm sóc cháu. Đều ở nơi khác đến, hộ khẩu thành phố không có thì làm sao xin được cho con vào trường công”.  Những bé được gửi nhà trẻ tư hầu hết là con em công nhân, người lao động nghèo.

Trước thực trạng hàng loạt vụ bạo hành trẻ em tại các nhà trẻ tư trên cả nước thời gian qua khiến dư luận hết sức bức xúc. Như vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng tắm… bằng chân với bé Ngân (Bình Dương), bà Quảng Thị Kim Hoa đánh đập tàn nhẫn các trẻ em con nhà nghèo ở Đồng Nai và nhiều vụ bỏ thuốc ngủ vào thức ăn của trẻ, dán băng keo vào miệng trẻ dẫn đến tử vong. Và ngay tại Đà Nẵng là trường hợp cháu Trương Tuấn Lộc (14 tháng tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) bị sặc cháo đến tím tái rồi tử vong ngay tại một nhà trẻ tư nhân đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các nhà trẻ tư nhân và sự bức thiết cần có nhà trẻ cho con em công nhân.

Nên chăng xã hội hóa?

 

Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 125 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 62 trường công lập, 61 trường tư thục, 2 trường dân lập. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mà Sở nắm được lên đến 439 nhóm, trong đó có hàng chục nhóm chưa được cấp phép hoạt động. Những cơ sở trông giữ trẻ kiểu gia đình không khai báo còn chưa thống kê được.

Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển đã thu hút một lượng khá lớn lao động trẻ, trong đó có đến 80% là nữ vào làm việc. Họ là lực lượng đang đóng góp sức lao động vào sự phát triển của thành phố nhưng lại chưa được quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần, nhà ở, và cần thiết trước mắt  vẫn là nơi gửi con để yên tâm làm việc.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện ở 6 khu công nghiệp có trên 51 ngàn lao động, với 80% là nữ, 50% trong số này đang ở độ tuổi sinh đẻ. Bởi vậy, nhà trẻ cho con em công nhân đang là vấn đề cấp thiết hiện nay và đã được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp. Ý kiến đưa ra nhiều nhất vẫn là kêu gọi xã hội hóa”. Lâu nay, khi doanh nghiệp muốn vào đầu tư, chỉ được yêu cầu về điều kiện vệ sinh môi trường, diện tích cây xanh… nhưng việc quy định phải có trách nhiệm với đời sống người lao động và con cái họ thì chưa được nói đến.

Đại diện một doanh nghiệp chế biến hải sản ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang - nơi có đến 90% là công nhân nữ đang làm việc - khi được hỏi đã cho rằng: “Lâu nay chị em vẫn gửi  con  ở nhà trẻ tư hết mà, có sao đâu. Việc xây dựng nhà trẻ, công ty chưa nghĩ đến”. Đời sống khó khăn, không ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công nhân “nhảy việc” đang diễn ra tại Đà Nẵng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của chính doanh nghiệp. Cũng có một số doanh nghiệp quan tâm đến việc này, nhưng lại kêu “vướng” cơ chế. Như vậy, biện pháp khả thi trước mắt là các cấp, các ngành cần tăng cường quản lý, giám sát những điểm giữ trẻ tự phát, tập huấn cho họ kỹ năng chăm sóc trẻ, xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ.


Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.