“Để thực hiện tốt mô hình “một cửa điện tử”, UBND phường Thuận Phước tiến hành hiện đại hóa công sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính (CCHC); tập trung vào công năng sử dụng, nhất là phòng một cửa, chứng thực đủ chuẩn, phòng tiếp công dân và tra cứu hồ sơ của công dân rộng rãi, thoáng mát; kết nối mạng với UBND quận và Sở Nội vụ; chuyển hình thức xử lý hồ sơ bằng tay sang xử lý bằng máy tính; trong đó ưu tiên các xử lý thủ tục, hồ sơ thiết yếu liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân” - Ông Lê Dũng Sĩ, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết như vậy về mô hình “một cửa điện tử” mà chính quyền địa phương thực hiện từ hơn 2 năm qua.
Đây là một trong những điểm nổi bật của việc CCHC ở địa phương nhằm giảm bớt những phiền hà đối với người dân, để người dân gần hơn với việc giải quyết các thủ tục hành chính trong đời sống. Đó cũng là nền tảng của việc triển khai chủ trương “dân vận chính quyền”. Cùng với những điểm chung của thành phố trong CCHC, phường Thuận Phước triển khai thêm 4 phần mềm phục vụ gồm: dịch vụ công; quản lý tài chính-kế toán; quản lý lao động-việc làm; ứng dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản, điều hành từ quận đến phường và ngược lại (gọi tắt là mô hình “Văn phòng không giấy”).
Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết, trong nỗ lực CCHC nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa việc giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, và địa phương; 7 cơ quan trực thuộc Trung ương thực hiện cơ chế “một cửa”. Mô hình “một cửa liên thông” thực hiện tại 100% phường, xã trên lĩnh vực lao động-thương binh-xã hội; tại 11 xã trên địa bàn Hòa Vang về thủ tục đất đai; tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố về thủ tục đầu tư nước ngoài ngoài khu công nghiệp và tại Sở Kế hoạch và Đầu tư về đăng ký kinh doanh. Theo đánh giá, từ khi thực hiện các mô hình này trong CCHC, việc thực hiện các thủ tục hành chính công được rút ngắn từ 30% đến 50%; trong đó, các lĩnh vực: thuế, hải quan, quản lý hộ tịch, đăng ký kinh doanh có chuyển biến tích cực nhất. “Việc công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính đã tạo điều kiện cho tổ chức, công dân tham gia góp ý và giám sát chặt chẽ hơn quá trình thực hiện các thủ tục hành chính” - ông Chế Viết Sơn nhìn nhận.
Mặc dù đã thực hiện các bước ứng dụng CNTT trong CCHC, theo đánh giá của các tổ chức và cá nhân, thì thái độ, phong cách phục vụ và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết thủ tục hành chính, vẫn là điều kiện quyết định trong việc xây dựng chính quyền gần dân. Trong thời gian qua, thành phố đã có những chính sách đồng bộ và nhất quán trong quá trình này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, tập trung vào tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực; thí điểm và dần mở rộng thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, sở, ngành...; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng các văn bản của cấp ủy Đảng và chính quyền từ thành phố đến cơ sở...
Không dừng lại ở đó, ông Chế Viết Sơn cho biết, thời gian tới, cải cách công vụ, công chức là quan trọng nhất, là nhiệm vụ then chốt trong việc nghiên cứu cơ chế, mô hình phù hợp để chuyển đổi hệ thống công vụ theo chức danh, vị trí việc làm; chuyển đổi từ quản lý theo quy trình, thời gian sang quản lý theo kết quả, hiệu quả đầu ra; thiết kế lại tiêu chuẩn chức danh theo hướng chuyên nghiệp, chính quy làm cơ sở cho tuyển dụng, bố trí, trả lương theo thực tài và kết quả công việc; đổi mới cơ chế quản lý, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn yêu cầu của nhân dân...
Bài và ảnh: Anh Quân