.

Chính quyền công tâm, dân thông chủ trương

.
Có trường hợp buộc phải cưỡng chế giải tỏa sau nhiều lần giải thích, vận động. Quyết định cưỡng chế ban hành nhưng công tác vận động thuyết phục người dân vẫn thực hiện một cách kiên trì. Vào phút chót, người dân chấp nhận tự giải tỏa. Đó là lúc người dân nhận ra rằng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng đã được chính quyền đáp ứng, không lẽ gì làm trái chủ trương thành phố. Bằng cách này, chính quyền quận Liên Chiểu đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương di dời giải tỏa để phát triển hạ tầng đô thị.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu tiếp dân giải tỏa của dự án Tây Bắc 1.
 
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân

Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu cho biết: Tiếp dân thuộc diện di dời giải tỏa chính là một trong những kênh quan trọng để tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương di dời giải tỏa để triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn quận. Trên địa bàn quận Liên Chiểu có 59 dự án đã và đang triển khai trên diện rộng ở khắp cả 5 phường. Số lượng dự án nhiều, trong quá trình triển khai thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc trong nhân dân đối với chủ trương của thành phố. Để giải quyết kịp thời vướng mắc của nhân dân, cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND quận đều được phân công phụ trách theo dõi tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các Ban quản lý dự án tổ chức tiếp dân theo từng dự án mình phụ trách.
 
Qua tiếp dân, lãnh đạo UBND quận đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, chủ yếu là về chế độ, chính sách đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư. Qua kiểm tra xác minh, nếu thấy kiến nghị của người dân là chính đáng, chính quyền quận đề xuất với thành phố, các Ban Quản lý dự án giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Ông Đặng Công Chúng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận cho hay: Trong quá trình kiểm tra xác minh có khi phát hiện thấy nhiều bất hợp lý giữa hồ sơ đất đai với thực tế. Có trường hợp thực tế đất của người dân là đất ở thực sự từ nhiều năm nay nhưng thể hiện trong hồ sơ lại là đất vườn. Nếu đền bù theo đất vườn sẽ thiệt thòi cho dân.
 
Do vậy, UBND quận kiến nghị đền bù cho dân đúng như đất ở. Có trường hợp khi đi thực tế mới phát hiện hoàn cảnh của người trong diện giải tỏa là hộ nghèo lại có người thân bị ốm nặng, đời sống gia đình rất khó khăn mà khi tiếp xúc với lãnh đạo UBND quận họ không nói ra. Đối với những trường hợp này, UBND quận quyết định nâng mức hỗ trợ thêm cho người dân. Có trường hợp dự án triển khai kéo dài thời gian, người dân được áp giá đền bù theo mức cũ trong khi thành phố đã có quy định về mức đền bù mới, UBND quận cũng đề nghị thành phố hỗ trợ thêm cho các hộ này tương đương với mức đền bù mới áp dụng ở các dự án triển khai sau này.
 
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ý thuộc diện di dời để triển khai dự án Tây Bắc 1 cho biết: Tại cuộc tiếp dân của Chủ tịch UBND quận ngày 2-4-2011, mong muốn của gia đình chị là được đổi vị trí 1 lô đất tái định cư ở đường 5,5m lên đường 7,5m đã được đáp ứng. Do diện tích đất bị giải tỏa của gia đình chị cũng ở vị trí tương đương như vị trí đường đề nghị. Giải quyết như vậy là thỏa đáng. Chính vì giải quyết kịp thời những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân nên được dư luận nhân dân đồng tình, tiến độ giải tỏa để triển khai các dự án được bảo đảm.

Kiên trì vận động, thuyết phục

Trong năm 2011 trên địa bàn quận Liên Chiểu có tổng số 59 dự án đã được công bố quy hoạch (kể cả các dự án chuyển tiếp từ các năm trước). Trong đó có 54 dự án đang triển khai và 5 dự án chưa triển khai.
 - Tổng số hộ thuộc diện giải tỏa từ năm 2000 đến nay: trên 10.000 hộ;
- Tổng diện tích đất thu hồi: khoảng trên 3.089ha;
- Trong năm 2010, lãnh đạo UBND quận tiếp trên 1.000 lượt dân để giải quyết  các vướng mắc, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng tại các dự án. Bình quân mỗi tuần, lãnh đạo UBND quận có 2-3 cuộc tiếp dân.
Ông Đàm Quang Hưng cho hay: Việc thay đổi mức độ đền bù, bố trí tái định cư và hỗ trợ thêm cho người dân đều bảo đảm công bằng, bình đẳng. Không có chuyện hai hộ dân cùng một vị trí đất bị giải tỏa lại có hai vị trí bố trí tái định cư không tương đương với nhau. Mặt khác, tại mỗi cuộc tiếp dân đều có sự chứng kiến và giám sát của Mặt trận, đoàn thể của quận và phường có hộ dân bị giải tỏa. Tuy nhiên không phải hộ dân nào được lãnh đạo UBND quận tiếp cũng chấp nhận cách giải quyết của chính quyền ngay từ lần đầu tiếp dân. Có nhiều trường hợp phải tiếp dân và đi thực tế vận động ngay tại nhà đến 5 - 7 lần người dân vẫn chưa đồng ý. Do đó tần suất tiếp dân của lãnh đạo UBND quận khá dày, từ 2 -3 cuộc/tuần. Đã có khá nhiều trường hợp sau nhiều lần tiếp dân, UBND quận buộc phải ra quyết định hành chính để cưỡng chế giải tỏa. Trong thời hạn thông báo cho dân để chuẩn bị cưỡng chế, chính quyền quận, phường vẫn phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể kiên trì thuyết phục, vận động. Vào phút chót người dân chấp nhận tự giải tỏa. Đó là lúc người dân nhận ra rằng, các quyền lợi hợp pháp, chính đáng đã được chính quyền đáp ứng, không lẽ gì làm trái chủ trương thành phố.

Ông Đàm Quang Hưng khẳng định: Kinh nghiệm vận động nhân dân thực hiện di dời giải tỏa thông qua hình thức tiếp dân là công tâm, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân thì dân sẽ thông chủ trương và chấp hành tốt, không phải dùng đến biện pháp hành chính. Bên cạnh đó là thái độ thực sự lắng nghe và kiên trì thuyết phục của lãnh đạo UBND quận ngay cả trường hợp người dân có thái độ bức xúc, lời nói gay gắt. Bằng cách này, từ nhiều năm qua chính quyền quận Liên Chiểu đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương di dời giải tỏa để phát triển hạ tầng đô thị.

Bài và ảnh: Sơn Trung
;
.
.
.
.
.