.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Nụ cười và nước mắt ngày ấy...

.
Đã sang bên kia dốc cuộc đời, lại mang trong mình bạo bệnh,  nhưng người cựu chiến binh (CCB) già ấy vẫn giữ cho mình những ký ức đẹp về nụ cười và những giọt nước mắt của những giây phút lịch sử chiến thắng 30-4-1975, như giữ lại cho mình khát vọng sống...

Mô tả ảnh.
Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến nhà CCB Nguyễn Tăng Cao Muôn ở tổ 9, khối Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu vào một buổi trưa trời âm u. Nhấp chén trà nóng, ông Muôn như sống lại ký ức về một thời khói lửa.

Ông kể: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dù bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ra sức tấn công các vùng giải phóng để lấn đất. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, quân và dân ta hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày đó, tôi vừa mới 24 tuổi, cùng nhiều anh em khác ở Đại đội 20, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng lòng tràn đầy khí thế chiến đấu. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi lần lượt giải phóng tỉnh Bình Thuận với thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Tân với thị xã Hàm Tân.
 
Tại đây, tôi phải gạt nước mắt khóc thương người đồng đội thân thiết, anh Nguyễn Xuân Hào (quê ở Thanh Trì, Hà Nội) đã hy sinh anh dũng khi đang chiến đấu. Điều khiến tôi không sao quên được là nghĩa cử cao đẹp của người dân khi đi qua thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trên đường đi, chúng tôi vấp mìn của địch, anh Cao Xuân Chén (quê ở Hà Nam) hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Lúc ấy, quả thật chúng tôi khá lúng túng vì không biết lấy gì khâm liệm cho anh. Thế là, một gia đình ở Ái Nghĩa đã tình nguyện lấy gỗ ván của mình để làm hòm chôn anh ngay trong vườn nhà họ, bất kể trận chiến đang diễn ra ác liệt. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi sự sẻ chia của họ khi được đóng góp công sức cho cách mạng.
 
Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, kế hoạch tiến vào Sài Gòn đang rộng mở. Khi ấy tôi lái xe chở 3 anh em làm một tốp vượt qua cầu Thị Nghè. Lúc chúng tôi đến thì xác người chết nằm la liệt ở trên đường, trên thành cầu. Cạnh đó, xác một xe tăng đang bốc cháy nham nhở. Vượt qua các chướng ngại vật, chúng tôi thẳng tiến vào Sài Gòn và dặn nhau phải hết sức cảnh giác, đề phòng quân địch phục kích. Sau đó, chúng tôi và các nhóm khác tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Khi được ngắm lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, anh em ai nấy đều khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc. Thật hạnh phúc được có mặt trong giờ phút lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau chiến thắng, tôi và anh em trong đơn vị còn phải tham gia truy quét tàn quân Fulro ở Tây Nguyên…

Thời gian đã hằn in trên khuôn mặt người CCB già, người chiến sĩ dũng cảm đã góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc năm xưa. Ông đọc cho tôi nghe bốn câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Nhớ đến quá khứ để biết quý, biết trân trọng, biết sống sao cho xứng đáng, kể cũng đáng lắm chứ!

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.