.

Đại biểu HĐND là doanh nhân: Cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn!

.

Không chỉ kinh doanh, giờ đây giới doanh nhân đã có thể tham gia một cách trực tiếp vào Hội đồng Nhân dân (HĐND) - cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vai trò và những đóng góp của đại biểu HĐND là doanh nhân càng trở nên cần thiết và quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

 

Mô tả ảnh.
Các đại biểu của doanh nghiệp trong HĐND thành phố phải luôn đồng hành, tạo ra những cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. TRONG ẢNH: Một phân xưởng sản xuất của Tổng Công ty cổ phần Dệt-may Hòa Thọ.

 

Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, các đại biểu HĐND thành phố đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc đưa ra những quyết sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập và phát triển. Dẫn chứng rõ nhất là 3 năm liền thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời ở tốp đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp. Thực chất của vấn đề này là các đại biểu HĐND thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra những cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Công tác giải tỏa đền bù liên quan đến doanh nghiệp cũng được thành phố giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Trong một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, các ban chuyên môn của HĐND thành phố đã tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân và các hiệp hội doanh nghiệp.

Các đại biểu của doanh nghiệp trong HĐND thành phố đã có những đóng góp nhất định trong hình thành các chính sách. Tuy nhiên, nhìn chung chưa thật nổi bật, nhiều vấn đề bức xúc của doanh nhân và doanh nghiệp chưa được các đại biểu trình bày một cách đầy đủ, khách quan và mạnh mẽ trong các diễn đàn mà họ xuất hiện... Một số đại biểu chưa thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp, các hiệp hội để nắm bắt tâm tư, tình cảm và kiến nghị của doanh nghiệp, của các hiệp hội trước khi tham dự diễn đàn. Là đại biểu HĐND đại diện cho doanh nghiệp, theo ông Văn Hữu Thiết, người đó không nhất thiết phải làm ăn giỏi, phải giàu có mà trước hết phải là người công tâm, có kiến thức, có bản lĩnh, có thời gian nhất định để nghiên cứu và tìm hiểu về thực trạng của doanh nghiệp, về tình hình kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, nhất là những khó khăn mấu chốt và bức xúc cần phải có giải pháp tháo gỡ và kiến nghị với HĐND để có những quyết sách phù hợp và thỏa đáng.

Bà Bùi Diệu Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng, cũng cho biết thêm, trong nhiệm kỳ qua, HĐND thành phố có 4 đại biểu là nữ doanh nhân đại diện cho các lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, y tế, sản xuất. Nhờ vậy, họ đã tham gia đóng góp không nhỏ cho những chủ trương, chính sách của thành phố. Trong thảo luận tổ, các đại biểu này đã nói được tiếng nói của doanh nghiệp, của lĩnh vực mình đại diện, tuy nhiên chưa thật thường xuyên và mạnh mẽ. Các đại biểu phân tích chưa sâu sắc, chưa mạnh dạn tham gia hoạch định chính sách, do đó, đã có phần làm cho chính sách của thành phố đề ra cho doanh nghiệp chưa sát với thực tế, chưa đi vào cuộc sống của doanh nghiệp.

Lần này, theo bà Thanh, các ứng cử viên tương đối đông nên hy vọng các đại biểu HĐND là doanh nhân có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tham gia đề ra những chủ trương, chính sách tích cực với doanh nghiệp, nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của đại biểu phải có hoạt động sôi nổi, có nhiều đóng góp cho thành phố và là đầu tàu gương mẫu chấp hành chính sách của Nhà nước. 

Trong khi đó, ông Lê Thanh Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho rằng, trước hết, là đại biểu của ngành nào, cần làm thật tốt nhiệm vụ của ngành đó, nhất là những ngành có ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đều phát triển bình đẳng, không phân biệt loại hình doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước. Tích cực tham gia góp ý, đóng góp đối với các lĩnh vực đại biểu có chuyên môn và am hiểu sâu để chính quyền địa phương tham khảo trong điều hành, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng được lợi ích hợp pháp của cử tri cũng như yêu cầu phát triển của địa phương. Mặt khác, các đại biểu này còn là đại biểu của cử tri khu dân cư, nên phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại biểu của mình đối với cử tri. Cần phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cộng đồng dân cư về mọi mặt để tham gia góp ý với các cấp chính quyền địa phương trong điều hành để bảo đảm tối đa chất lượng sống của nhân dân trên địa bàn trong khả năng có thể.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.