Tiêu chuẩn về trình độ cán bộ được yêu cầu cao hơn, và tất cả phương hướng hành động phải căn cứ trên ý kiến của hội viên phụ nữ cơ sở. Đó là những nét mới trong Đại hội Phụ nữ các cấp thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2011-2016.
Khó mới tốt
Hỗ trợ phát triển kinh tế là nhu cầu lớn nhất của chị em (Trong ảnh: Một phụ nữ nghèo trên địa bàn quận Liên Chiểu được Hội Phụ nữ quan tâm giúp đỡ về vốn và nhà ở). |
Hiện nay, hầu hết vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đều đã đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, để cấp Phó đạt được tiêu chuẩn theo quy định chung thì vẫn cần nhiều hướng “mở” khác. Chị Phan Thị Thắng Lợi, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu cho rằng: Hiện nay, trong nguồn cán bộ cấp dưới được giới thiệu ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch Hội, không phải tại địa phương nào cũng có nhiều người đạt được trình độ học thức và lý luận như quy định. Trong khi đó, người có trình độ như trên lại không thể ngay lần đầu tiên được đề bạt vào chức Phó Chủ tịch Hội, mà cần có sự phấn đấu đi lên từng bước.
Tuy nhiên, cũng chính “cái khó” này đã đem lại luồng gió mới trong công tác cán bộ Hội Phụ nữ. Chị Thắng Lợi cho biết, từ nhiệm kỳ này, các cấp ủy Đảng quan tâm hơn đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ Hội. Như lâu nay, thay vì Chủ tịch Hội mới được đi học các lớp lý luận chính trị, thì từ nay, những đối tượng là cấp Phó sẽ được quan tâm nhiều hơn và cũng có cơ hội được giới thiệu tham gia các lớp nâng cao trình độ. Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Ý Nhi, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho rằng: Đòi hỏi cao này đã đặt ra trách nhiệm cho các cấp ủy Đảng trong việc quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ.
Một yếu tố khác là độ tuổi người tham gia ứng cử lần này phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Theo đó, ba độ tuổi nằm trong quy định là dưới 35, từ 35 - 45 và trên 45. Điều dễ nhận thấy, đội ngũ cán bộ Hội hiện nay khá trẻ, trung bình thấp nhất khoảng 27 tuổi, người lớn tuổi phần lớn chưa quá 50.
Hỗ trợ phát triển kinh tế là nhu cầu bức thiết
Khác với trước đây, phương hướng hành động do cấp trên đặt ra để hội viên thực hiện. Ở nhiệm kỳ này, mọi mục tiêu đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ nữ cơ sở. Qua khảo sát lấy ý kiến, các cấp Hội nhận thấy nhu cầu bức thiết nhất của chị em là hỗ trợ phát triển kinh tế. Mỗi địa phương dựa vào đó sẽ đưa ra các chương trình hành động nhằm đáp ứng nguyện vọng này.
Tại quận Hải Châu, phong trào hỗ trợ phương tiện sinh kế, góp vốn… đã được thực hiện các năm trước, đến nay sẽ được đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa. Riêng với quận Cẩm Lệ, để chị em có điều kiện phát triển kinh tế thì vốn vay không phải là yếu tố hàng đầu, mà tạo việc làm, giải quyết nguồn lao động nữ ngoài 30 tuổi, thuộc diện di dời giải tỏa là điều “nóng” nhất.
Trong khi đó, phụ nữ quận Thanh Khê thực hiện “Quỹ tín dụng nhỏ”, bắt đầu từ ngày 28-6 năm nay. Chị Ý Nhi ước tính, số quỹ ban đầu sẽ là 150 triệu đồng. Điều đặc biệt, không chỉ có chị em nghèo được nhận hỗ trợ phát triển kinh tế, mà đối tượng cận nghèo sẽ được Hội quan tâm sâu sắc. Theo chị Ý Nhi, người cận nghèo không được trợ giúp hay nhận các quyền lợi như người nghèo, chính vì thế trong một số hoàn cảnh họ còn khó khăn hơn cả người nghèo.
Bài và ảnh: Thu Hoa