Hơn 3.800 lao động được đào tạo nghề và có khoảng 80% trong số đó tìm được việc làm là con số ấn tượng sau một năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Đà Nẵng”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Thiếu vốn…
Sau khi học nghề người lao động có thể tìm được việc làm với mức lương khá. Trong ảnh: Một lớp học nghề của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
|
Thời gian qua, Sở LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các Sở Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Giáo dục-Đào tạo tham mưu cho UBND thành phố phân bổ hơn 9 tỷ đồng kinh phí chương trình mục tiêu theo Quyết định số 1956 cho 4 đơn vị, gồm Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang, Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ngũ Hành Sơn và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hòa Vang để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, theo nhiều địa phương thì nguồn kinh phí này vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng ở huyện Hòa Vang, với hơn 20 ngàn lao động có nhu cầu học nghề và còn tăng theo cấp số nhân sau khi di dời giải tỏa. Do vậy, kinh phí để đào tạo nghề cho số lao động này là khá lớn. Còn quận Ngũ Hành Sơn, nơi có gần 5.000 hộ dân di dời sau khi hơn 2.000ha đất bị thu hồi thì việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho số hộ này cũng không dễ dàng. Dù đã cố gắng liên kết với nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, trồng nấm… để tạo nghề nghiệp và việc làm cho lao động nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần lao động của quận.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đà Nẵng-thừa nhận: “Hiện nay, đầu tư của Nhà nước cũng như các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu đòi hỏi, phát triển sự nghiệp dạy nghề nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư từ Dự án nâng cao năng lực dạy nghề để đầu tư trang thiết bị trong những năm qua còn hạn chế, dàn trải”. Vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn tại cuộc họp sơ kết một năm triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Đà Nẵng vừa qua.
Sở LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã đề xuất tăng nguồn kinh phí đầu tư cho Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu và Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận, huyện từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, hằng năm phân bổ nguồn kinh phí nâng cao năng lực dạy nghề để dạy nghề cho lao động nông thôn từ 5 đến 7 tỷ đồng nhằm thực hiện kế hoạch đào tạo nghề đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Nhiều rào cản
Lao động nông thôn lớn tuổi khó được các doanh nghiệp tuyển dụng. (Ảnh chụp tại phiên giao dịch việc làm ngày 16-4 tại UBND quận Ngũ Hành Sơn).
|
Theo lãnh đạo nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hạn chế lớn của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay là chưa xây dựng được chương trình khung, chưa gắn với việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp. Đã thế, chương trình đào tạo nghề của một số đơn vị nặng nề lý thuyết nhiều, thực hành còn ít. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chất lượng. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kiến thức và quá trình truyền đạt của giáo viên, dễ dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng.
Qua các phiên giao dịch việc làm hướng đến lao động nông thôn ở nhiều vùng di dời giải tỏa vừa qua trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động trong độ tuổi từ 18 đến 35 nên những nông dân mất đất sản xuất lớn tuổi rất khó tìm được việc. Một thực tế nữa hiện nay là việc dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn, trước đây là sơ cấp nghề dưới một năm nên một số lao động đủ điều kiện học nghề trình độ cao hơn chưa được hỗ trợ.
Trong năm 2011, thành phố Đà Nẵng đã đặt ra kế hoạch dạy nghề cho khoảng 4.600 lao động, trong đó lao động nông thôn là 1.500 người, lao động di dời, giải tỏa là 850 người, và 2.250 lao động phi nông nghiệp và lao động đặc thù. Để đạt được những con số này, Đà Nẵng đang tập trung thực hiện các giải pháp: Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm miễn phí và vận động họ tham gia học nghề; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng về số lượng và chất lượng giáo viên, người tham gia dạy nghề và cán bộ quản lý , hỗ trợ…
Bài và ảnh: Phương Trà