.

Đào tạo nghề: Chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

.

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2011 tại 4 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ vào sáng 21-4 do Tổng cục Dạy nghề tổ chức đã bàn đến nhiều vấn đề còn tồn tại của công tác đào tạo nghề trong cả nước và định hướng công tác tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 2.

Mô tả ảnh.
Người học vẫn còn chạy theo sở thích, chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường. Ảnh: Phương Trà

Nhìn lại công tác tuyển sinh học nghề năm 2010, ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề đánh giá: Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Số lượng các cơ sở dạy nghề ngày càng lớn; tỷ lệ cơ sở dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 75%, trong đó sinh viên cao đẳng nghề có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 80%, có một số nghề sinh viên ra trường đạt trên 90%...

Ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Công thương nhận định: “Hiện nhu cầu nhân lực của xã hội rất cao và đa dạng, nhưng nội dung kiến thức bắt buộc trong chương trình khung đào tạo nghề vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề”. Ông Thanh cũng cho rằng cơ sở vật chất của các trường như phòng học, thư viện, ký túc xá..., đặc biệt là trang thiết bị phục vụ dạy học vẫn còn rất thiếu và chưa hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tiên tiến. Hiện nay các trường thuộc Bộ Công thương đang thực hiện công tác đào tạo nghề với quy mô khá lớn (gần 150.000 HS-SV đào tạo ở 3 cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề) có nhiều đóng góp cho hệ thống dạy nghề của đất nước, có nhu cầu về trang thiết bị đào tạo rất nhiều và hiện đại, cần vốn đầu tư lớn nhưng nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo còn rất khiêm tốn và phân bổ chưa hợp lý, nên các cơ sở đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Giảng viên có trình độ kỹ năng nghề cao vẫn còn thiếu, còn nhiều giảng viên trình độ ngoại ngữ hạn chế.

Vấn đề không mới, nhưng được nói đến nhiều nhất là một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đa số các trường vẫn tập trung tuyển những nghề phổ biến, có nhu cầu cao trên thị trường lao động. Một số nghề sản xuất kinh doanh đặc thù với điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại rất khó tuyển sinh trong khi thị trường lao động có nhu cầu. Bà Thái Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thừa nhận: “Các nghề mà công việc khi ra trường nhàn rỗi có nhu cầu đăng ký học cao (Kế toán, Quản trị); các nghề công việc khi ra trường nặng nhọc, lương cao, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động lớn (May, Hàn, Cơ điện tử) thì ít người đăng ký học, gây khó khăn cho việc đào tạo của nhà trường”.

Ngoài ra, còn một số tồn tại được nói đến như: Tâm lý trọng bằng cấp của người dân, xã hội vẫn còn khá phổ biến, trong khi đó công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu. Người học vẫn còn nhiều băn khoăn giữa trình độ đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng nghề với bậc trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp, băn khoăn về mức lương, ngạch bậc sau khi ra trường. Một bộ phận không nhỏ người học có nguyện vọng được học tiếp lên bậc đại học sau khi đã học trung cấp, cao đẳng nghề, tuy nhiên chương trình liên thông lên đại học chưa chính thức được ban hành.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng nhau góp ý, rút kinh nghiệm để kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 2 thành công hơn. Chẳng hạn: Cần sớm có ngân hàng đề thi chung cho Cao đẳng nghề các nghề đào tạo để phục vụ cho việc ôn luyện của sinh viên. Bộ nên sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề để làm cơ sở cho việc biên soạn chương trình, giáo trình và đề thi… Tổng cục Dạy nghề đã ghi nhận các ý kiến của đại biểu để cùng hướng đến mục tiêu cao nhất: Tuyển sinh chất lượng, tốt nghiệp ra trường có việc làm.

Phương Trà

;
.
.
.
.
.