.

Đẩy mạnh thương lượng, ký kết TƯLĐTT

.
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Đây được xem như là “luật con” trong doanh nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Mô tả ảnh.
CNLĐ Công ty CP Dệt may 29-3 miệt mài sản xuất vì yên tâm với điều kiện môi trường lao động đã được chăm lo đầy đủ.
 
Từ nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã triển khai sâu rộng nội dung quan trọng này đến các cấp Công đoàn. Ngày 18-6-2009, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết 01/NQ-ĐCT về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT”. Điều này một lần nữa xác định vai trò và tầm quan trọng của TƯLĐTT trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; việc ký kết TƯLĐTT phải đi vào thực chất, tránh hình thức mà nhiều bản TƯLĐTT đã mắc phải.
 
Để có được chất lượng của bản TƯLĐTT đạt tiêu chuẩn “4 thật” (đối tác thật, thương lượng thật, nội dung thật, thực hiện thật), bên cạnh việc củng cố hoạt động của tổ tư vấn xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhằm tăng cường vai trò của Công đoàn cấp trên trong việc hỗ trợ Công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng và ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng còn thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ Công đoàn các cấp, cung cấp hàng trăm văn bản pháp luật, mẫu TƯLĐTT, qua đó trang bị kỹ năng đối thoại, xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT; hướng dẫn cán bộ Công đoàn căn cứ vào tình hình SXKD của DN để thương lượng, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT những điều có lợi hơn cho người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức giao ban nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện TƯLĐTT tại các DN.

Mặc dù được xác định là công cụ để điều chỉnh quan hệ lao động, là nguồn bổ sung của pháp luật lao động mà các bên trong quan hệ lao động đều thấy rõ lợi ích của nó, song cho đến nay, bằng nhiều nỗ lực triển khai nhưng kết quả đạt được chưa cao. Theo thống kê năm 2011, doanh nghiệp trực thuộc thành phố quản lý có 322 đơn vị có tổ chức Công đoàn, trong đó 170 đơn vị có TƯLĐTT, đạt 52,80%.

Qua kiểm tra, một số bản TƯLĐTT có chất lượng, thương lượng ký kết đúng quy định, có nhiều thỏa thuận có lợi cho người lao động như tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ về phúc lợi, ăn giữa ca, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, ma chay, hiếu hỉ… Bên cạnh đó, không ít bản TƯLĐTT chất lượng còn hạn chế, nội dung sơ sài, sao chép các quy định liên quan của pháp luật lao động, chỉ ghi chủ trương, không có quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng không có cơ sở để ràng buộc thực hiện; đưa vào TƯLĐTT các thỏa thuận nặng về nghĩa vụ đối với người lao động hoặc ký kết nhưng không gửi Sở LĐ-TB và XH để đăng ký theo quy định, không phổ biến rộng rãi đến người lao động, thậm chí một số bản TƯLĐTT quy định những điều trái với văn bản pháp luật hoặc quy định một số điều thấp hơn Luật Lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nội dung các bản thỏa thuận kém chất lượng hoặc mang tính hình thức. Rất nhiều hội nghị, hội thảo được đưa ra để đánh giá thực trạng, rút kinh nghiệm nhằm tìm ra giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng song hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Có thể nhận thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của các bên trong DN về nội dung này chưa thật sự đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc thương lượng tập thể trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ… Mặt khác, các quy định của pháp luật về TƯLĐTT, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc các DN phải thực hiện các quy định đã có về thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT với cơ quan chức năng, nên nhiều DN lợi dụng để né tránh, hoặc cố tình không thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT.

Chặng đường từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội CĐ thành phố lần thứ XIV (2008-2013), chỉ tiêu 70% trở lên số CĐCS ở doanh nghiệp tổ chức thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT, trong đó có 50% bản TƯLĐTT có nội dung quy định có lợi hơn cho NLĐ so với pháp luật là một thách thức không nhỏ đối với tổ chức Công đoàn.

Bài và ảnh: TRÀ GIANG
;
.
.
.
.
.