Những năm qua, nông dân phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu nổi bật với nhiều kết quả về việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới, đáp ứng tốt yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, trong thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân ở cơ sở trong việc tư vấn, dạy nghề cho nông dân.
Trong một trại nấm của nông dân Hòa Khánh Bắc. |
Nằm trong địa bàn quy hoạch trọng điểm, phần lớn nông dân Hòa Khánh Bắc không còn đất canh tác và nhu cầu chuyển đổi nghề ngày càng cấp bách. Từ đó, Hội Nông dân phường đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và kiến thức kinh doanh các ngành nghề dịch vụ cho bà con nông dân. Chỉ trong năm 2010, Hội đã mở 4 lớp tập huấn về các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, phù hợp với thực tế địa phương như trồng cây cảnh, sản xuất nấm sò, nấm rơm, nuôi dế, nuôi kỳ đà, kỳ nhông... Đồng thời, Hội đẩy mạnh hoạt động tín chấp cho vay ưu đãi để giúp hội viên có vốn mở các mô hình kinh tế mới. (Hiện nay, tổng dư nợ toàn Hội đã gần 4,5 tỷ đồng). Sau khi giải ngân, Thường trực Hội luôn sâu sát hướng dẫn, tận tình góp ý về phương pháp sản xuất - kinh doanh cho các hộ vay. Nhờ đó, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có xâm tiêu, chây ỳ và nhiều người làm ăn đạt hiệu quả cao. Hội còn tổ chức các hội thảo đầu bờ, các hội nghị trao đổi kinh nghiệm sản xuất-kinh doanh và tích cực tuyên truyền nhân rộng những mô hình tốt.
Mũi đột phá của nông dân Hòa Khánh Bắc là phát triển các nghề nuôi trồng thủy sản. Ông Trần Viên chỉ nuôi ba ba và cá trê trên 150m2 mặt nước mà mỗi năm có doanh thu hàng trăm triệu đồng và trở thành người nông dân đầu tiên của phường sắm được ô-tô con. Các hộ ông Ngô Cừ, Phan Lợi, Phan Thành Út đầu tư xây hồ nuôi ếch thương phẩm và ếch giống, hằng tháng mỗi hộ bán được hàng chục triệu đồng. Mô hình làm nấm và trồng cây cảnh phát triển mạnh, thu hút hàng trăm hội viên tham gia, nhiều nhất là những nông dân lớn tuổi. Trong đó, phần lớn các hộ làm nấm đã kết hợp với nhau thành lập Hợp tác xã Sản xuất-kinh doanh nấm Hải Vân Nam, mỗi ngày sản xuất được hơn 100kg nấm các loại.
Sau khi đi tham quan tìm hiểu một số mô hình kinh tế ở các địa phương khác, bà Nguyễn Thị Kim Thành (tổ 32) đã xây dựng chuồng trại nuôi kỳ đà và kỳ nhông. Công việc không nặng nhọc, tận dụng được lao động phụ mà có kết quả khá cao. Kỳ đà, kỳ nhông có sức đề kháng tốt, sinh sản nhanh và bán rất đắt. Cơ sở nuôi kỳ nhông của bà đã được Hội Nông dân phường đưa hội viên đến đây nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng.
Nhiều hộ chuyển sang làm dịch vụ thương mại đạt kết quả khả quan. Bà Nguyễn Thị Út (tổ 43) sau khi giải tỏa, đã mở đại lý buôn bán tạp hóa với hàng trăm mặt hàng, doanh thu ngày càng tăng, xây được nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học chu đáo. Tận dụng nơi tái định cư gần khu phố chợ Hòa Khánh, ông Nguyễn Đức Tuấn mở cơ sở sản xuất bánh mì, tạo việc làm cho gần 10 lao động, lúc đầu còn làm thủ công, bây giờ đã sản xuất bằng máy móc. Nhờ khéo vận dụng kỹ thuật, bánh mì của ông ngon mà giá cũng có phần rẻ hơn so với thị trường nên người mua ngày càng nhiều.
Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức sản xuất kinh doanh cho bà con nông dân chuyển đổi nghề, Hội Nông dân phường còn liên hệ với đơn vị quản lý các khu quy hoạch cho nông dân tận dụng sản xuất rau đậu ngắn ngày tại các khu đất chưa xây dựng công trình, đồng thời còn liên hệ, giới thiệu nhiều nông dân trẻ vào làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Sự nỗ lực của Hội Nông dân phường và sự phấn đấu kiên trì của người nông dân nơi đây đã đem lại những kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và số hội viên có mức sống khá, giàu liên tục tăng lên. Chỉ riêng năm 2010 đã có 12 hộ vượt qua ngưỡng đặc biệt nghèo và 16 hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2009, toàn Hội có 67 nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đến cuối năm 2010 đã tăng lên 102 hộ.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM