Phải bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thực sự là một ngày hội xây dựng chính quyền của toàn dân, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật. Đây là nhiệm vụ giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp theo quy định của pháp luật. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông LÊ NGỌC DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết về kế hoạch và công tác giám sát của MTTQ Việt Nam thành phố về thực hiện nhiệm vụ này.
* Phóng viên (P.V): Thưa ông, chức năng giám sát bầu cử đại biểu dân cử nói chung của MTTQ Việt Nam được quy định tại luật nào?
- Ông Lê Ngọc Dũng: Chức năng tham gia công tác bầu cử và giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam được quy định tại Luật MTTQ Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND và một số văn bản pháp luật khác có liên quan và theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Mặt trận tham gia công tác bầu cử và giám sát bầu cử ngay từ đầu là công tác chuẩn bị bầu cử cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc.
* P.V: Cụ thể các nội dung giám sát mà Mặt trận các cấp thực hiện đối với cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là gì, thưa ông?
- Ông Lê Ngọc Dũng: Theo hướng dẫn tại Thông tri số 14 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 25-2-2011, có 8 nội dung cụ thể Mặt trận phải thực hiện giám sát.
Thứ nhất là giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử: Ủy ban Bầu cử, các Ban bầu cử xem trong cơ cấu thành phần của các tổ chức này có điểm nào đúng hoặc chưa đúng với quy định pháp luật; giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức này.
Thứ hai là giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu dân cử ở những việc: Dự kiến của ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu người ứng cử; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác của người được giới thiệu ứng cử; giám sát việc hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ ứng cử và việc chuyển giao hồ sơ ứng cử trong thời gian luật định.
Thứ ba là giám sát việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử ở việc thực hiện quy định về thành phần, số lượng cử tri, chương trình hội nghị, việc xác minh vụ việc cử tri nêu.
Thứ tư là giám sát việc lập danh sách cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri như: Cách tính tuổi, tư cách cử tri, người không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Thứ năm là giám sát việc niêm yết danh sách người ứng cử, việc xóa tên trong danh sách người ứng cử đại biểu QH, người ứng cử đại biểu HĐND phải thực hiện đúng quy định pháp luật về bầu cử.
Thứ sáu là giám sát việc người ứng cử tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.
Thứ bảy là giám sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu vận động bầu cử cho người ứng cử, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử.
Thứ tám là giám sát trình tự, thể thức trong ngày bầu cử bảo đảm đúng quy định pháp luật.
* P.V: Mặt trận các cấp của thành phố đã chuẩn bị cho công tác giám sát bầu cử như thế nào?
- Ông Lê Ngọc Dũng: Công tác giám sát bầu cử theo quy định của pháp luật được các cấp Mặt trận của thành phố đã và đang triển khai thực hiện ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và cấp cơ sở phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực HĐND cùng cấp thực hiện công tác giám sát. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố bố trí một đồng chí Phó Ban Dân chủ-Pháp luật để tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, số 70 Bạch Đằng. Mặt trận ở huyện, quận, phường nơi đang thí điểm không tổ chức HĐND phối hợp với các tổ chức thành viên để chủ động giám sát trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật về bầu cử và các văn bản liên quan đã quy định. Mặt trận của 11 xã thuộc huyện Hòa Vang đã được tập huấn rất sớm về tham gia tổ chức và giám sát bầu cử.
Để tăng cường công tác giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền và giám sát bầu cử cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các phường, xã. Mặt trận giám sát trực tiếp qua các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử, qua tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác của người ứng cử; qua việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Mặt trận cũng giám sát bầu cử gián tiếp qua việc tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử; qua báo chí, qua tiếp nhận phản ánh của cử tri và qua hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN SƠN (thực hiện)