Từ 11 địa chỉ năm 2010, đến nay toàn thành phố đã có 27 Địa chỉ tin cậy (ĐCTC). Đây là nhà của các tổ chức, cá nhân được UBND xã, phường công nhận với trách nhiệm cho nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) tạm lánh khi khẩn cấp, huy động cộng đồng trợ giúp nạn nhân những nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về tinh thần, giúp các nạn nhân phục hồi thể chất, tâm lý...
Nỗi buồn...
Ngoài UBND xã, phường, đồn Công an, hầu hết trụ sở của những ĐCTC hiện nay đều là nhà riêng của những người kiêm nhiệm các công việc đoàn thể. Chính vì là nơi nạn nhân bị bạo hành “tin cậy”, nên bất kể ngày, đêm hay nắng, mưa, có sự vụ là điện thoại của những người phụ trách ĐCTC lại đổ chuông liên hồi. “Chị ơi, em đang đứng ngoài ngõ!”, giọng một người phụ nữ trong tiếng nấc nghẹn ngào lay chị Lê Na, ĐCTC tại 264 Dũng sĩ Thanh Khê bừng tỉnh vào 12 giờ đêm. Chị Na cho biết, gặp những chuyện như vậy là thường. Bản thân là phụ nữ, đi đêm hôm cũng nhiều lo lắng, nhưng nhờ có sự phối hợp của Công an nên chị yên tâm phần nào.
Không chỉ để lánh nạn, ĐCTC như một nơi nạn nhân thỏa sức trút bầu tâm sự. Thế nên, với những người làm công tác này, nỗi buồn cứ dâng trào ngày qua ngày khi lắng nghe biết bao lời than oán. Chị Lê Thị Hồng, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Thọ Tây nói: “Các chị đến đây, ngoài việc được chăm sóc sức khỏe còn ngồi kể rất nhiều chuyện. Có những điều tế nhị mà chị em mới có thể san sẻ cho nhau. Các chị buồn, mình buồn lây”. Trong khi đó, chị Lê Na thì đã từng bị ghế… bay vèo vèo trên đầu. Đó là trường hợp chị đến hòa giải cho một cặp vợ chồng ở gần nhà. Anh chồng tỏ vẻ nhận lỗi, nhưng ngay khi Công an vừa bước ra khỏi cổng, nhìn thấy vợ quay về, người chồng lại ném ghế tới tấp.
Ngoài việc hòa giải cho các cặp vợ chồng “lục đục”, những người ở ĐCTC còn chứng kiến cảnh con đánh mẹ, chị em ruột xua đuổi, lớn tiếng với nhau. ĐCTC nhà anh Trần Huynh, tổ trưởng tổ dân phố số 22, phường Thanh Khê Tây có lần tham gia giải quyết một vụ hai chị em gái cãi vã dẫn đến không cho sống chung một nhà. Đêm đó, gia đình anh Huynh cho mẹ con người chị ngủ tạm. Anh còn lo cơm nước đầy đủ. Bà con chòm xóm thấy hoàn cảnh đáng thương nên mỗi người góp ít tiền bạc, quần áo tặng người phụ nữ ấy. Không biết có phải vì ở ĐCTC sướng hơn ở nhà, mà sau đó người phụ nữ này... nằng nặc đòi ở lại nhà anh Huynh, nhất quyết không chịu rời đi nơi khác.
...Và niềm vui
Mỗi năm, người phụ trách ĐCTC được hỗ trợ 200.000 đồng! Thêm vào đó, không ít ông chồng sau khi được các ĐCTC can thiệp đã không đánh đập vợ nữa mà chuyển qua... ghét cay ghét đắng cán bộ. “Họ ghét đến độ không thèm nhìn mặt mình, dù hai nhà là hàng xóm”, một chị nói.
Dù vậy, trên tất cả, điều khiến ĐCTC ngày một nhân lên, đồng nghĩa với việc nhiều người nhận trách nhiệm này là niềm vui khi nhìn thấy nhiều gia đình trở lại hạnh phúc. Chị Lê Thị Hằng cho biết, tại trạm y tế, có những ngày tiếp nhận đối tượng đến tư vấn là... đàn ông. Các anh nói với vợ: “Tui đi với bà xuống dưới trạm coi thử chỗ nớ họ nói răng”. Sự “tò mò” này là tín hiệu vui của những người như chị Hằng, bởi đây còn là nơi tin cậy của các đấng mày râu. Chị Lê Na thì lâng lâng cảm xúc khi vô tình gặp người phụ nữ vừa bị bạo hành trên phố và được nghe câu nói: “Chị ơi, bữa ni ảnh tội lắm. Ảnh còn biết hỏi em thích ăn chi để ảnh mua nữa”.
Từ ngày mới thành lập các ĐCTC, hoạt động của những nơi này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhiệt tình là chính. Tuy nhiên, bắt đầu năm 2011, các địa chỉ trên đã được trang bị những kỹ năng cơ bản. Các anh chị được học Luật Phòng, chống BLGĐ, vấn đề bình đẳng giới, và chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các tình huống cụ thể.
Với những người làm ĐCTC, một khó khăn hiện nay là vì sợ bị “lộ” nên nhiều nạn nhân đã tìm đến ĐCTC tại các địa phương khác. Điều này khiến cán bộ tại địa phương có người bị bạo hành khó theo dõi tiến trình hòa giải. Vì vậy, việc làm thế nào để liên kết các ĐCTC trên toàn thành phố trở thành một mạng lưới chặt chẽ với nhau là một bước quan trọng cần được nghĩ đến trong công tác phòng chống BLGĐ.
Bài và ảnh: THU HOA