Từ ngày 1-3, ngành điện áp dụng giá bán điện mới cho tất cả các hộ dùng điện trên cả nước. Các hộ nghèo sử dụng điện ít và tiết kiệm (dưới 50kWh/tháng) sẽ được hỗ trợ 30 ngàn đồng/tháng. Theo quy định của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì việc hỗ trợ này sẽ được chi trả trực tiếp cho các hộ nghèo theo từng quý.
Giá điện tăng cao, người thuê nhà trọ gặp khó. Ảnh: Thanh Tình |
Để triển khai quy định này, từ đầu tháng 3 đến nay, các Điện lực thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Điện lực Đà Nẵng) đã tiến hành bán hồ sơ cho các hộ nghèo đăng ký được hưởng ưu đãi trên theo quy định. Tính đến hết ngày 15-4, đã có trên 5 ngàn hộ đăng ký. Qua phân loại sơ bộ, rất ít hồ sơ đăng ký hộ nghèo cho các đối tượng là sinh viên, học sinh, công nhân ở các KCN đang ở nhà thuê. Theo Thông tư 05/2011/TT-BCT ngày 25-2-2011, cứ 4 sinh viên, công nhân ở nhà thuê, ở các khu chung cư sẽ được đăng ký là một hộ tiêu thụ điện, được đăng ký sử dụng điện theo giá ưu đãi (hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp).
Nhưng để được đăng ký là một hộ sử dụng điện thì phải được sự đồng ý của chủ nhà và tự chủ nhà đến đăng ký. Đây chính là trở ngại lớn mà các sinh viên, người nghèo thuê nhà không trực tiếp đăng ký với ngành điện như một hộ sử dụng điện riêng rẽ hẳn với chủ nhà. Thực tế là từ tháng 3, các chủ cho thuê nhà đã nâng giá điện đối với người thuê nhà lên 3 ngàn đồng/1 kWh; mặc dù Thông tư 05 đã quy định rất rõ về mức phạt đối với các chủ nhà, nếu không cho những người thuê nhà đăng ký hộ sử dụng điện riêng. Nguyên nhân sâu xa là do các chủ cho thuê nhà muốn kiếm lời thêm từ việc làm dịch vụ điện đối với người thuê nhà.
Tại Điện lực Hải Châu, trong đợt đăng ký bán điện cho hộ nghèo vừa qua có 360,5 hộ đăng ký, trong đó chỉ có 13,5 hộ là sinh viên, tức là chỉ có 53 sinh viên trong hàng ngàn sinh viên đang trọ, thuê nhà trên địa bàn quận được hưởng giá điện ưu đãi - một con số quá ít. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn sinh viên đang phải trả tiền điện theo giá dịch vụ của các chủ cho thuê nhà. Một nhóm sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đang ở các nhà trọ gần trường nói: “Chúng tôi vào mạng cũng biết mình được hưởng các chế độ ưu đãi của Chính phủ và ngành điện như đăng ký hộ tiêu thụ điện riêng, nhưng sợ chủ nhà đuổi nên không dám đề xuất để chủ nhà cho đi đăng ký riêng”. Rất nhiều kỹ sư, cử nhân trẻ đang thuê nhà tại khu vực trung tâm thành phố đã chấp nhận chủ nhà thu tiền điện với giá cao gấp 2-3 lần giá của ngành điện. Nguyễn Văn H., một kỹ sư đang ở nhà trọ trên đường Hàm Nghi nói: “Thà chấp nhận phải trả tiền điện cao như vậy, còn hơn là phải chuyển đi chỗ khác. Vì chỗ thuê nhà hiện tại rất tiện cho sinh hoạt và gần chỗ làm”.
Tại các khu nhà trọ thuộc khu vực quận Liên Chiểu, các công nhân có thu nhập thấp không được hưởng sự ưu đãi về giá điện cũng khá phổ biến. Đây là điều mà ngành điện và những người nghèo đều không muốn. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì ngoài nguyên nhân là sự thiếu thiện chí của các chủ nhà cho thuê, còn có một nguyên nhân khác là do công nhân không có thông tin. Một nhóm công nhân làm tại KCN Hòa Khánh đang phải trả tiền điện giá cao, cho biết họ không được thông tin, không biết các quy định của Nhà nước về giá bán điện và rất sợ chủ nhà không cho thuê nếu đòi hỏi làm hợp đồng riêng với ngành điện.
Việc trợ cấp giá điện cho người nghèo, người có thu nhập thấp thể hiện các chính sách về an sinh xã hội, về chính sách kinh tế, xã hội khác của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, để người nghèo, người có thu nhập thấp được hưởng sự ưu đãi này, cần sự hợp tác toàn diện của chính quyền địa phương - nơi có các chủ nhà cho người nghèo thuê, của chính những người đang thuê nhà và ngành điện. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của các chủ nhà cho thuê và của bản thân những người được hưởng lợi từ các quy định, chính sách trên có ý nghĩa quyết định.
Đức Thịnh