.

Giấc mơ nhà ở

.
Với những người nhập cư trẻ tuổi, có ý định sinh sống lâu dài ở Đà Nẵng, “giấc mơ” nhà ở của họ bắt đầu từ ước mong gần gũi.
 
Mô tả ảnh.
Trước phòng trọ vợ chồng chị Phượng.
Làm sao thoát cảnh nhà thuê?

Anh Nguyễn Văn Sáng vào Đà Nẵng đã gần 5 năm, hiện vẫn thuê nhà ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Anh cho biết, trước đó gia đình anh (2 vợ chồng và 1 con nhỏ) thuê căn phòng chưa đến 20 mét vuông cho 3 người ở với mức giá 700 nghìn đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước, rác). Anh làm nghề bảo trì điện cho một khách sạn, vợ làm kế toán doanh nghiệp, lương hằng tháng của 2 vợ chồng chưa đến 6 triệu đồng, trừ những khoản chi tiêu, sinh hoạt công với việc trả tiền phòng, thật chẳng còn dư đồng nào nếu không tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Vợ anh vừa mới sinh con thứ 2, thêm người, gia đình anh buộc phải chuyển đến căn hộ mới thuê được rộng khoảng 40 mét vuông. Chỗ mới kể có rộng rãi hơn chút ít nhưng vợ chồng anh Sáng giờ phải thêm áp lực tăng tiền thuê nhà từ 700 ngàn đồng lên 1,2 triệu đồng/tháng.

Anh V.H.Hòa - một cán bộ giảng dạy Đại học tâm sự: “Vợ chồng anh vào Đà Nẵng cũng đã hơn 1 năm, dù chưa vướng bận con cái, nhưng với đồng lương công chức, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, lại phải trả tiền thuê nhà, điện, nước hằng tháng, vất vả lắm em ạ. Muốn tích lũy nhưng thật khó, bởi hằng tháng cứ phải mất hẳn một khoản tiền, nếu chỉ tạm một vài tháng không nói, nhưng cứ cộng vài ba năm, riêng tiền thuê nhà cũng đã ngót mấy chục triệu bạc, xót lắm”.

Không được như vợ chồng anh Hòa, anh Sáng, vợ chồng chị Phượng đang thuê trọ ở phường An Hải Bắc, Sơn Trà, chồng làm thợ kim hoàn đã 9-10 năm nhưng mức lương chỉ trên dưới 2 triệu đồng (có làm mới có tiền), vợ là thợ làm bánh sinh nhật, mức lương chỉ 1 triệu đồng, lại có con nhỏ cũng đang gồng hết sức mình chống chọi với cuộc mưu sinh và “nạn” trả tiền thuê phòng hằng tháng, mặc dù họ đã chọn thuê khu nhà trọ thuộc loại rẻ nhất thành phố hiện nay: 500 nghìn đồng/tháng.

Đơn cử vài trường hợp trên để thấy, nỗi khổ chung của những người thuê nhà ngoài những chịu đựng về chỗ sinh hoạt chật chội, mất vệ sinh, ồn ào, mua không đúng giá điện, nước… thì ray rứt hơn cả, đó là việc phải mất “hẳn” một khoản tiền đáng kể hằng tháng, khiến cho việc tích lũy của họ khó thêm bội phần, nhất là với những người có thu nhập thấp.

Trả góp mua nhà chung cư hay chờ... mua đất?

Nếu cứ tiếp tục trả tiền thuê nhà tức là phải chi những khoản không bao giờ trở lại và sau cùng bài toán sở hữu chỉ là con số không. Do đó, bằng mọi giá, người nhập cư phải nhanh chóng tìm được tổ ấm riêng cho mình.

Nói về dự định nhà ở sắp tới, anh Hòa cho biết: Vợ anh sức khỏe yếu thành thử nhà ở không thể cách chỗ làm việc quá xa, có nhà riêng của mình thì vẫn thích hơn chung cư, nhưng chuyện mua đất, xây nhà ở trung tâm thành phố thật quá xa vời. Mua chung cư trả góp với mức lãi suất hiện nay cũng là gánh nặng không nhỏ, so với việc thuê nhà thì chẳng khác nào “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Có lẽ cách duy nhất là phải tiếp tục chắt bóp chi tiêu, tiết kiệm một số vốn tương đối, vay mượn thêm rồi mua lấy một căn chung cư trung bình gần trung tâm thành phố. Nghĩa là vợ chồng anh phải chồng được số tiền 300-400 triệu đồng (vì chung cư tạm ổn gần trung tâm không thể có giá thấp hơn). Có lẽ phải 5, 10 năm hoặc lâu hơn nữa chưa biết chừng, vợ chồng anh Hòa mới thực hiện được “giấc mơ” nhà ở của mình.

Vợ chồng anh Sáng may mắn hơn đã mua được một mảnh đất khá rẻ cách đây hai năm cách trung tâm thành phố chưa đến 10km, giờ chỉ còn việc dồn tiền cất một căn nhà nho nhỏ là họ có thể bắt đầu “lạc nghiệp” được rồi.

Còn câu chuyện nhà ở của vợ chồng người thợ kim hoàn-anh Bi, chị Phượng thì ngay chính họ cũng chưa biết đâu là hồi kết. Anh Bi đang tìm cách chuyển nghề để mong thu nhập có khấm khá lên chăng, nếu không, có thể vợ chồng con cái sẽ phải bồng bế nhau về quê trong nay mai…

Trong xu hướng phát triển của thành phố, làn sóng người nhập cư sẽ tăng trong tương lai, khi đó, vấn đề nhà ở càng trở nên bức bách. Đây là vấn đề cấp thiết của người lao động, của các doanh nghiệp và của cả chính quyền thành phố để người lao động an cư lập nghiệp. Do đó cần có sự chung tay của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị mới mong giải quyết được.

Bài và ảnh: THANH TÂN
;
.
.
.
.
.