.

Giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm

.
“Theo tôi, công tác giám sát (GS) trong Đảng đã không còn lúng túng; việc GS có trọng điểm, ở những đơn vị có vấn đề đã được phân công rõ ràng. Tuy nhiên, kết quả GS vẫn còn hạn chế do còn ngại va chạm, thấy mà không dám nói, nhất là GS cấp trên trong các doanh nghiệp. Vì vậy, trong công tác GS phải làm đúng quy trình, mạnh dạn, có GS chuyên đề và phân công GS thường xuyên thì mới phát huy hiệu quả” - ông Đặng Hữu Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố cho biết.

Mô tả ảnh.
Nắm bắt nhiều nguồn thông tin kịp thời phục vụ tốt cho công tác giám sát trong Đảng.
 
Trong khi đó, chị Ngô Thị Thu Phương, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hòa Vang thì cho rằng, đã có những cuộc GS được thực hiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; việc rút kinh nghiệm từ GS thực tiễn còn chưa tốt; quy trình GS đã có nhưng việc áp dụng, triển khai thực hiện còn khó khăn...

Thực tế, công tác GS trong Đảng là một nhiệm vụ mới, được đặt ra từ Đại hội lần thứ X của Đảng và được triển khai thực hiện chủ yếu từ giữa năm 2007 đến nay. Theo đánh giá ban đầu, thì các tổ chức Đảng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nên mỗi nơi thực hiện và có sự đánh giá, nhìn nhận khác nhau tùy vào yêu cầu mà mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng đặt ra. Thống kê ban đầu cho thấy, các cấp ủy và UBKT các cấp trong toàn Đảng bộ thành phố đã tổ chức GS đối với 1.412 lượt tổ chức Đảng cấp dưới và GS gần 5 nghìn lượt cán bộ, đảng viên cùng cấp và cấp dưới. Phương pháp GS chủ yếu là thông qua hội nghị, qua sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, qua làm việc nghe phản ảnh tình hình...

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác GS; thực hiện nhiệm vụ đúng quy trình, quy định và có sự đánh giá, nhìn nhận một cách rõ ràng, cụ thể về kết quả thực hiện công tác GS ở các tổ chức Đảng, của UBKT các cấp.

Các tổ chức Đảng cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác giám sát (GS) của Đảng, thường xuyên coi trọng và chủ động tiến hành công tác GS theo nội dung, đối tượng thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, các cấp ủy vừa phải nắm chắc và thực hiện tốt nhiệm vụ GS, có chương trình, kế hoạch GS đối với tùng nghị quyết, từng địa bàn, nhất là với các trọng tâm, trọng điểm, vừa phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GS đối với tổ chức Đảng và đảng viên, bảo đảm mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định quy chế, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được GS; các tổ chức Đảng đều phải tiến hành công tác GS.
(Theo “Hỏi, đáp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và những văn bản hướng dẫn” - Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
Trước hết, theo nhìn nhận của nhiều người làm công tác GS, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, UBKT các cấp về công tác GS, đưa công tác này trở thành nề nếp; trong đó có GS chuyên đề và GS thường xuyên. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm sao cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy việc GS là một công việc bình thường, là nhiệm vụ thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, chứ không phải GS khi có vấn đề, mà GS chính là để phát hiện vấn đề.
 
Để thực hiện tốt công tác GS, bên cạnh nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác GS cũng là điều cần bàn đến. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, sự nhạy cảm trong nắm bắt và xử lý thông tin... là những yếu tố quan trọng đối với đội ngũ làm công tác này bởi họ phải chịu nhiều va chạm trong công việc và cuộc sống. “GS cần phải có trọng tâm, trọng điểm; nội dung GS cần cụ thể, không chung chung. Qua GS, phải có báo cáo kết quả, lưu trữ hồ sơ. GS phải trung thực, khách quan chứ không nên chủ quan, đưa định kiến của mình vào trong công việc... Có như vậy, chất lượng công tác GS mới được nâng lên” - đồng chí Lê Kim Củng, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy nhấn mạnh. Đó cũng chính là những định lượng trong việc đánh giá kết quả, hiệu quả của công tác GS trong thời gian tới.

Bài và ảnh: ANH QUÂN
;
.
.
.
.
.