.

Hành trình vào Nam, ra Bắc của Trung tướng Nguyễn Bình

.
Mô tả ảnh.
Trung tướng Nguyễn Bình
Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Việc ra đời của Nhà nước độc lập, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo trên một địa bàn chiến lược quan trọng ở Đông Nam châu Á có sức cổ vũ to lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên tự giải phóng.
 
Đó là đòn tiến công mạnh mẽ, trực tiếp vào dinh lũy chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, bọn đế quốc và phản động quốc tế điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam. Với bản chất ngoan cố, các thế lực đế quốc núp sau lá cờ quân Đồng minh, vội vã đưa quân vào nước ta, âm mưu tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam. Nhà nước non trẻ của chúng ta bị đặt vào tình thế rất hiểm nghèo, vô cùng khó khăn, phức tạp, “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù trong và ngoài nước. Ngay sau đó thực dân Pháp chiếm lại miền Nam với mưu đồ đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính”. Thực hiện lời thề Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9, ngày 23 tháng 9, thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu, đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn, đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” với lòng yêu nước nồng nàn đã đứng lên xả thân cứu nước, dũng cảm đương đầu với súng gươm bạo tàn của thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Bằng phong trào “Nam tiến”, cả nước dồn sức chi viện Nam Bộ, bởi ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Đồng chí Nguyễn Bình vào Nam đánh giặc vào những năm tháng đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2003 đã xác nhận: “Chính tôi, theo chỉ thị của Bác, đã trực tiếp nói chuyện với đồng chí Nguyễn Bình (lúc này là Khu trưởng Chiến khu Duyên hải Bắc Bộ, nay là Quân khu Ba) và chuyển lệnh nhận nhiệm vụ vào miền Nam công tác. Đồng chí phấn khởi và khẩn trương lên đường vào miền Nam và đã có những cống hiến quan trọng trong nhiệm vụ mới!”.

Hành trình đi vào miền Nam hồi đó vô cùng gian nan khổ cực, nhưng đồng chí Nguyễn Bình và đoàn công tác đã hoàn thành chuyến đi vào một cách xuất sắc, đến nơi đúng thời gian quy định. Lúc này các lực lượng vũ trang kháng Pháp ở Nam Bộ có dấu hiệu bị tan rã và phân hóa, một số bộ phận còn trở thành thổ phỉ, cơ hội cát cứ. Ngay sau khi vào đến Thủ Dầu Một (Bình Dương hiện nay), Trung tướng Nguyễn Bình đã triệu tập “Hội nghị quân sự Nam Bộ” bàn việc thống nhất lực lượng vũ trang, phân chia khu vực hoạt động của các lực lượng vũ trang, các đơn vị bộ đội tự phát đánh giặc. Đến năm 1949, lực lượng vũ trang Nam Bộ đã hình thành ba thứ quân: Chủ lực, địa phương và dân quân du kích lên đến hàng vạn người. Riêng thành phố Sài Gòn đã có 8.000 tự vệ.

Bằng sự quả cảm, quyết đoán và tính cách dễ thu phục lòng người, Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng đầu tiên của quân đội ta. Năm 1949, Trung tướng Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Cần biết rằng trước khi vào Nam Bộ, Nguyễn Bình chưa phải là đảng viên cộng sản. Trước đó ông có thời gian tham gia Quốc dân Đảng và bị đày ra Côn Đảo. Chính tại đây, ông đã giác ngộ đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản.
q
Tháng 6 năm 1951, nhận được lệnh triệu tập ra Trung ương, Trung tướng Nguyễn Bình khởi hành từ Tân Uyên với 22 chiến sĩ bảo vệ, đi vòng qua đất Campuchia để ra miền Bắc. Cuộc hành trình hành quân trở ra miền Bắc đầy cam go, quyết liệt. Những trang nhật ký cuối cùng của Trung tướng Nguyễn Bình để lại, làm mọi người chúng ta vô cùng xúc động. Ông viết: “Đi từ Sốc Ky đến Suối Đá, rồi từ Suối Đá đi Tà Nốt, tôi đành phải nằm trên xe bò, vì bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cao Miên nói phải tạm nghỉ trong hai tháng nếu không muốn quỵ dọc đường. Tôi nghĩ nếu dừng hai tháng rồi đến mùa mưa thêm ba tháng, sau đó đi sáu tháng nữa mới ra tới Trung ương thì không thể được. Một năm không hoạt động gì trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt… Không, tôi kiên quyết ra đi.

Ngày 20 tháng 9, tại Kompong Chàm, chú Bốn vào rừng săn được một con khỉ lớn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, anh em lấy bộ não và hai tinh hoàn của con khỉ nấu cho tôi ăn. Thật kỳ lạ, bệnh gần như khỏi hẳn!

...80% đoàn bị bệnh, bốn chiếc xe bò cũng không chở hết. Gạo đã gần hết. Từ 1 tháng đến nay mỗi ngày tôi chỉ ăn chút xíu để đứng vững. Tôi đã ăn măng rừng thay cơm... Đang đi thì một chiếc xe bò bị gãy trục, theo dân địa phương đó là một điềm rất xấu.

Ngày 21 tháng 9, tất cả đều bệnh. Tôi vào bếp nấu cơm cho cả đoàn. Hai trinh sát viên đi liên lạc có thể đã bị bắt và các đồng chí ở NacKor đã không hay biết gì về chúng tôi.

Ngày 23, tôi quyết định phái tổ trinh sát vượt sông Serepok đi vòng để tránh gặp địch.

Ngày 24, cả đoàn không còn gì để ăn nữa. Tôi quyết định vào sóc mua một con bê, nhưng thổ dân ở đây từ chối, chỉ bán một con bò cái. Đến khi làm thịt mới biết nó đang có chửa.

Ngày 25, 26, 27, anh em câu được vài con cá. Không có mỡ, không có gia vị, nên chỉ đem nấu canh me.
Ngày 29, đêm qua tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Sáng tôi cho người đi mua sắn cũng không được. Hôm nay tôi và một số anh em khác sẽ nhịn ăn để nhường gạo cho những người ốm...”.

Trưa ngày 29 tháng 9 năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh.

Một buổi chiều tháng 2 năm 2000, đoàn cán bộ và chiến sĩ tìm mộ liệt sĩ đến xã Serepok, huyện SeSai, tỉnh Stung Streng, Campuchia, gặp được già làng KpalRôMia, ông cho biết: Năm 1951, ông từng chôn cất “lục thum” (ông lớn), ông nhớ rất rõ vì “lục thum” có bốn cái răng vàng và bị hư con mắt bên trái. Theo sự chỉ dẫn của già làng KapalRôMia, đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đi dọc theo bờ sông Serepok khoảng hơn một kilômét thì tìm được mộ. Điều rất cảm động là đã gần nửa thế kỷ, nhưng ngôi mộ chỉ bị xói mòn thấp đi một ít, trong khi cây cối xung quanh không hề phủ lấp, chứng tỏ người dân địa phương đã chăm sóc ngôi mộ của “lục thum” rất đàng hoàng. Những vị tướng lĩnh, dân làng KpalRôMia và các sĩ quan Quân đội Hoàng gia Campuchia tham gia cuộc tìm kiếm hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đều xúc động rơi nước mắt.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có một con đường mang tên Nguyễn Bình tại huyện Nhà Bè. Hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Trên nấm mồ của Trung tướng Nguyễn Bình vẫn có nhiều bông hoa mọc xung quanh, khoe sắc rực rỡ...

BẠCH NHUNG (Sưu tầm và tổng hợp)
;
.
.
.
.
.