.

Kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm

Ngày 14-4, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (PCTP) – Bộ Công an tổ chức Hội thảo xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia PCTP giai đoạn 2011-2015.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, trong những năm qua, do tác động của tình hình tội phạm (TP) quốc tế và khu vực đã làm cho tình hình TP, tệ nạn xã hội (TNXH) nước ta diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia PCTP giai đoạn 2006-2010, lực lượng Công an Nhân dân đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tham gia PCTP, TNXH, đấu tranh quyết liệt với các loại TP, TNXH.

Qua đó đã đem lại nhiều kết quả tích cực, một số loại TP có xu hướng giảm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp trên lĩnh vực TP khu vực và quốc tế, tình hình TP nước ta sẽ diễn biến theo những xu hướng mới, phức tạp hơn. Trước thực tế đó, các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí với mục tiêu Quốc gia PCTP mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2011-2015 là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, khám phá, xử lý các vụ án, nhất là đối với các loại TP nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Phấn đấu đến năm 2015, kiềm chế sự gia tăng của các loại TP có tổ chức, làm giảm sự hình thành và phát triển của các băng, nhóm, tổ chức TP so với năm 2010 từ 10%-15%; giảm từ 5%-8% TP có tính chất quốc tế; phấn đấu đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 70%, trong đó trọng án đạt trên 90%; giảm từ 5%-10% các loại TP xâm hại trẻ em và các loại TP nghiêm trọng trong độ tuổi vị thành niên so với năm 2010.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về pháp luật và công tác PCTP trong các tầng lớp nhân dân, để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong công tác PCTP. Xử lý nghiêm minh, kết hợp với quản lý giáo dục, cải tạo, cảm hóa người vi phạm pháp luật, các đối tượng phạm tội; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% số đối tượng sau khi chấp hành án phạt tù, giáo dục tại Cơ sở giáo dục, Trường Giáo dưỡng trở về địa phương được quản lý, hỗ trợ các điều kiện cần thiết tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm. Ngoài ra, xây dựng và củng cố lực lượng chuyên trách PCTP, bảo đảm chủ động phòng ngừa, tấn công hiệu quả đối với các loại TP. Nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật cho đội ngũ cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án, nhất là cấp quận, huyện trong điều tra, truy xét, tránh oan sai, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

NGỌC PHÚ
;
.
.
.
.
.