.

Ký ức về một trận đánh

.

Trận đánh Sân bay Đà Nẵng cách đây 46 năm là một chiến công vang dội ở Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Kim Hùng (ảnh) ở phường Vĩnh Trung, nguyên Chính trị viên Đại đội 1 Đặc công thành phố Đà Nẵng đã kể lại trận đánh vang lừng này.

 

Mô tả ảnh.

...Ngay từ khi mới đổ quân vào Đà Nẵng, đế quốc Mỹ đã gấp rút xây dựng sân bay quân sự Đà Nẵng để phối hợp với bộ binh tiến hành các cuộc càn quét, đánh phá vùng giải phóng. Máy bay địch từ đây bay đi ném bom, bắn giết gây nhiều đau thương tang tóc cho đồng bào ta ở nhiều nơi. Tại sân bay thường xuyên có khoảng 200 chiếc máy bay và được bọn Mỹ tổ chức bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Sư đoàn 1 Không quân Mỹ với hơn 800 tên bố trí canh phòng lớp trong, lớp ngoài, không cho bất cứ người Việt nào đến gần. Ngày ngày, chúng còn cho máy bay trinh sát bay ra tứ phía quần đảo, soi mói để tìm kiếm dấu vết đối phương.

 

Đầu năm 1965, Đại đội 1 Đặc công do đồng chí Phạm Duy Đài làm Đại đội trưởng và tôi là Chính trị viên được giao nhiệm vụ đánh Sân bay Đà Nẵng để phá hủy phương tiện chiến tranh của địch. Đơn vị đã tổ chức điều nghiên thực địa, xây dựng các cơ sở gần sân bay để nắm tình hình địch và lên phương án tác chiến. Đặc biệt, nhà chị Nguyễn Thị Kỳ nằm sát hàng rào sân bay đã đào được hầm bí mật, nuôi giấu một tổ trinh sát trong mấy tuần liền... Từ đó, Ban chỉ huy đã vẽ được toàn bộ sơ đồ bên trong và chung quanh sân bay hết sức chi tiết, rồi xây dựng thao trường tại khu căn cứ Sơn Gà (Đại Lộc-Quảng Nam), tổ chức luyện tập hơn 3 tháng ròng.

Tối 22-6 (1965), Đại đội xuất quân tiến về Đà Nẵng. Ban ngày, đơn vị trú ẩn, ban đêm bí mật di chuyển hướng tới mục tiêu. Suốt 7 đêm liền, bộ đội vượt qua hàng chục đồn bốt địch từ vùng tranh chấp đến vùng địch hậu, liên tục xử lý những tình huống bất ngờ, cho đến đêm 28-6 mới tới làng Trung Hòa (xã Hòa Phụng) và được các cơ sở che giấu, tiếp tế rất chu đáo.

Đúng 19 giờ ngày 29-6, đơn vị vượt sông Vĩnh Điện, qua Trung Lương (Hòa Đa, nay là phường Hòa Xuân) và tiếp tục vượt sông Cẩm Lệ, tiến sang khu vực Đò Xu-Hòa Cường, rồi lao nhanh về hướng sân bay. Đến 24 giờ, các mũi đã áp sát mục tiêu, bình tĩnh chờ lệnh. Đúng 0 giờ 28 phút ngày 30-6, mũi thọc sâu do đồng chí Phan Văn Lãng làm mũi trưởng phát hỏa bằng một quả thủ pháo. Lập tức, mũi đánh phía tây nam sân bay do đồng chí Lê Công Trại làm mũi trưởng cũng đồng loạt nổ súng. Tiếng AK, lựu đạn, cối, ĐKZ nổ giòn giã cùng với những tiếng kêu rú hãi hùng của quân giặc. Khoảng 10 phút sau, địch mới hoàn hồn và hò hét chống trả. Bọn lính Mỹ từ trên các vọng gác dùng đại liên bắn xối xả vào các hướng tấn công của ta. Lập tức, chúng tôi lệnh cho ĐKZ và cối tiêu diệt các hỏa điểm địch, yểm trợ cho các mũi tiến công. Các pháo thủ ĐKZ đã thay nhau lấy thân làm giá súng để kịp thời tiêu diệt  mục tiêu và di chuyển vị trí nhanh, tránh bị địch phản pháo. Quân ta bắn mạnh vào các khu để máy bay và ô-tô của địch làm lửa bùng cháy dữ dội. Sau hơn 20 phút, thấy mục tiêu trận đánh đã hoàn thành, chúng tôi hạ lệnh cho đơn vị nhanh chóng rút quân.

Lúc này, bọn địch ở Quân đoàn 1 và Chi khu Hòa Vang đã điều xe tăng, bộ binh ra ngăn chặn, hòng bịt đường rút của ta ở khu vực Đò Xu, nhưng chúng đã bị hai tổ chốt chặn của lực lượng địa phương chặn đánh quyết liệt. Trong khi đó, du kích và quần chúng cách mạng ở Hòa Phụng và Hòa Đa đã chuẩn bị sẵn ghe, thuyền tại bến Đò Xu để đón bộ đội qua sông Cẩm Lệ trở về Hòa Phụng. Tại đây, ba đồng chí bị thương được các cơ sở đón về nuôi giấu, còn đơn vị khẩn trương vận động trở về vùng giải phóng ở xã Điện Hòa (Điện Bàn-Quảng Nam).

...Sau khi về căn cứ, chúng tôi được cơ sở nội tuyến báo ra cho biết: Trận đánh đã tiêu diệt 271 tên lính Mỹ, phá hủy 59 máy bay và 48 xe quân sự. Mặt khác, trận đánh đã làm kinh hoàng quân cướp nước và bọn tay sai  ngay trong những ngày đầu giặc Mỹ thực hiện chiến tranh cục bộ ở nước ta.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.