.

“Làng che cán bộ, làng vây quân thù...”

.
Có một miền đất vẫn còn truyền lại những câu chuyện có thật về nhân vật trong lịch sử, về những chiến công oanh liệt, hào hùng của nhân dân qua lời kể của người già... Và giờ đây, niềm tự hào về vùng đất Hòa Thọ (Đà Nẵng) anh hùng còn xen lẫn với niềm vui đổi mới, phát triển quê hương sau 35 năm.

Mô tả ảnh.
Mẹ Đặng Thị Em hạnh phúc bên căn nhà ngói khang trang.
 
Một thời máu lửa

Đã bước qua tuổi 86, nhưng mẹ Nguyễn Thị Thà (có chồng là liệt sĩ) ở tổ 32, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng vẫn nhớ rõ những chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm. Cô con dâu mẹ bảo: Mẹ giờ đã yếu lắm rồi, tai không nghe rõ nữa, mắt cũng mờ đi, nhưng đặc biệt những chuyện về cách mạng, về người chồng thân yêu đã hy sinh thì mẹ vẫn nhớ. Mẹ kể: Ác liệt nhất là các năm 1968, 1969, địch càn quét rất dữ dội. Chúng lùng sục vào từng nhà, từng ngõ ngách để tìm “Việt cộng”. Quanh nhà mẹ, chỗ nào cũng toàn là hầm bí mật được mẹ ngụy trang khá kỹ nên chúng không thể biết được. Mẹ nheo mắt cười: Bí mật đến nỗi, hàng xóm tối lửa tắt đèn cũng không thể biết nhà bên cạnh có bao nhiêu hầm, ở đâu. Thế rồi, bọn giặc cũng mò đến nhà mẹ vì nó nghi chồng mẹ tham gia cách mạng.
 
Tên đội Quế (ác ôn khét tiếng lúc bấy giờ) hất hàm hỏi: “Tôi biết thằng con ông Lự (một chiến sĩ cách mạng) ở trong nhà bà. Bà mau đưa nó ra, nếu không, mắc tội chứa chấp thì sẽ phải chết chung với nó”. Bà nói cứng: “Tôi không biết con ông nào hết, việc gì tôi phải chứa cho mang tội vào thân”… Nỗi đau tột cùng đến với mẹ khi người chồng hy sinh do bị chỉ điểm khi đang họp kín gần Nhà máy dệt Hòa Thọ. Ôm con trai chưa đầy tháng vào lòng, mẹ nuốt nước mắt gượng dậy và tiếp tục nuôi giấu cán bộ cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Còn mẹ Đặng Thị Em (80 tuổi) ở tổ 30, phường Hòa Thọ Đông thì ký ức chiến tranh với mẹ là những lần bị bắt vào tù rồi lại ra cứ như đi chợ. Không đào hầm, mẹ xây tường xếp (có khe ở giữa) để giấu cán bộ. Nơi mẹ ở nằm sát cạnh đồn địch nên chúng luôn tuần tra ráo riết. Biết bao nhiêu đòn tra tấn mà mẹ đã nếm trải như: Quỳ xuống nền sạn xi-măng, treo người lên trần nhà và đánh, bắt nằm xuống nền và đạp vào bụng… nay thỉnh thoảng lại âm ỉ những cơn đau nhức. Chồng mẹ, ông Phạm Ngọc Ký cũng tham gia hoạt động cách mạng và là thương binh loại 3/4. Mẹ Thà, mẹ Em là số ít trong hàng trăm người dân đã nuôi giấu cán bộ. Chẳng hạn như nhân dân thôn Yến Bắc đào 50 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Ông Đặng Bốn cung cấp 4.000 quả lựu đạn, hàng tấn thuốc men. Các mẹ, các chị: Nguyễn Thị Môn, Lê Thị Phẩm... cung cấp hàng chục tấn gạo... dù biết phải hy sinh cả tính mạng.

Và những đổi thay

Nở nụ cười mãn nguyện bên con cháu, mẹ Thà bảo: Cách đây mấy năm, chính quyền có hỗ trợ cho mẹ làm căn nhà ngói khang trang, thoáng mát này. Giờ mẹ đã có 4 cháu nội, đứa mô cũng khỏe mạnh, học hành thành đạt, kính yêu bà. Còn mẹ Em, giờ cũng đã già yếu, vui vầy bên 9 người con cùng đàn cháu, chắt. Mẹ vui vẻ nói: Căn nhà cấp bốn của mẹ sắp được hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa, đỡ lo hư, dột khi mưa bão về.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông cho biết: “Đời sống người dân hiện nay đổi thay rất nhiều. Nếu trước đây, chủ yếu là đường đất, trường học còn tranh tre nứa lá, trẻ con còn phải học bài bằng đèn dầu… thì nay, số hộ có nhà kiên cố chiếm 98%, hầu hết đều có phương tiện xe máy, điện thoại, ti-vi... Có đến 90% người dân đã dùng nước sạch, 100% hộ có nhà vệ sinh. Nếu năm 2005 có 172 hộ nghèo, đến năm 2009 có 359 hộ nghèo theo tiêu chí mới thì nay đã giảm được 285 hộ, đạt 85%”. Bê-tông hóa vào đến các kiệt, hẻm. Ông Hoa cũng nhấn mạnh: Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền đặt lên hàng đầu. Chỉ tính trong năm qua, địa phương đã hỗ trợ sửa chữa nhà cho người có công cách mạng, bắc nước sạch cho gia đình thương binh nặng với tổng số tiền trên 26 triệu đồng, tặng quà thăm hỏi các gia đình chính sách nhân các ngày kỷ niệm, dịp Tết... để đời sống của họ bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình. Trường học, trạm y tế... đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS ở phường Hòa Thọ Đông đạt 100%, không có em nào bỏ học...

Rời làng quê cách mạng, chúng tôi nhớ mãi đôi mắt tròn xoe, ngạc nhiên và tự hào của cô cháu gái mẹ Thà. Chuyện kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng ấy có lẽ đối với cô cũng chỉ như những câu chuyện cổ tích mà kết thúc có hậu bằng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.