.

Mảng khuyết

“Em! Em ơi! Chị Minh nè”, giọng một người phụ nữ từ đằng xa gọi với giữa đám đông, khiến tôi loay hoay mới xác định được vị trí người gọi. Chị quẹt mồ hôi nhễ nhại trên trán, miệng cười thật tươi. Thì ra, đó là chị Minh hàng xóm nhà tôi. Chị cũng có mặt trong Hội trại truyền thống Người khuyết tật, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 16-4 vừa qua, tại Công viên 29-3.

Chị Minh trước đây buôn bán rau hành rồi bị liệt nửa người vài năm nay, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, nên lần nào qua thăm, chúng tôi cũng phải chuẩn bị những lời động viên an ủi để vơi đi những trăn trở trên gương mặt chị. Vậy mà hôm nay, thực tình tôi phải mất vài giây mới sực nhận ra chị. Lâu lắm rồi không thấy chị cười đến rạng rỡ thế. Chị nói: “Ra tới đây (công viên-PV) mệt lắm vì mình đi lại khó khăn, nhưng vui quá em ơi. Chừ mới được đi dã ngoại, cắm trại. Ở nhà suy nghĩ lung tung, tham gia mới thấy mình còn may mắn. Nhiều người đồng cảnh ngộ nên không ai mặc cảm nữa”.

Không riêng chị Minh, trong hội trại đặc biệt này, tôi đã bắt gặp rất nhiều nụ cười “thả ga” và những bàn tay đan chặt, dù trên đầu họ là cái nắng rọi như lửa. Bởi đây là lần đầu tiên nhiều người khuyết tật (NKT) tại thành phố Đà Nẵng được đi sinh hoạt vui chơi tập thể. Mỗi người một dạng tật: điếc, câm, cụt chân, liệt tay…nhưng họ đã có chung một trạng thái là hết sức vui mừng.

Hãy lắng nghe NKT nói về ước mơ của họ. Người khiếm thính thích được xem hết một chương trình truyền hình. Riêng với một bản tin, họ chỉ hiểu những đoạn có xuất hiện phát thanh viên bằng cách nhìn khẩu hình, những phần khác coi như mù tịt. Những NKT khác thích đi chợ mua sắm. Có người mong được học hết phổ thông. Nghe qua tưởng ước mơ sao nhỏ bé, tầm thường. Nhưng ngẫm lại, hiện thời, điều này như trong câu hát “giấc mơ chỉ là giấc mơ”. Ngay cả những nụ cười của buổi cắm trại hôm ấy, liệu có tiếp nối những ngày sau khi họ quay về nhà, lại đối diện với muôn vàn khó khăn như bao lâu vẫn thế? “Mảng khuyết” trong các hoạt động của NKT vẫn còn, thì các hành động để NKT được sống độc lập còn xa vời lắm.

6,3% dân số Việt Nam là NKT. Phần đông, họ đang sống trong nghèo khổ, mù chữ, thất nghiệp, thiếu tự tin. Chúng ta cứ tưởng tặng cho họ món quà này, trao sổ tiết kiệm kia là đã đem lại hạnh phúc cho những con người kém may mắn, nhưng đằng sau những lần nhận quà hỗ trợ đó là canh cánh trong họ nỗi buồn vì không tự lo được một cuộc sống bình thường cho chính mình.

Không có phép nhiệm mầu rằng NKT sẽ “đổi đời” vào ngày mai, nhưng một ngày nào đó, những “mảng khuyết” được lấp đầy, ai cũng có thể tin tưởng chương trình dành cho NKT sẽ không còn nằm dài trên giấy.

THU HOA
;
.
.
.
.
.