.

Mạnh ai nấy nới

.

Các cơ quan chức năng đều khẳng định: Hiện nay, tại Đà Nẵng tuyệt đối không có chuyện nhà chung cư bị cơi nới. Chỉ đến khi phóng viên đưa ra các hình ảnh cho thấy cơi nới không chỉ diễn ra nhỏ lẻ, lén lút mà ngược lại rất công khai, rầm rộ ở chung cư Thanh Lộc Đán và Hòa Minh, đại diện các cơ quan này mới ngã ngửa về tình trạng trên.

Mô tả ảnh.
Dãy “nhà tạm” phía sau khu E, chung cư Thanh Lộc Đán.

 

Cơi nới rầm rộ

Nhìn vào chung cư Thanh Lộc Đán nằm trên địa bàn hai phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê và chung cư Hòa Minh thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, không thể biết các khu nhà này đang đi theo lối “kiến trúc” nào. Mặt sau mỗi nhà được “ló” ra muôn hình vạn trạng. Nếu các nhà trên tầng cao làm “chuồng cọp” bằng lưới sắt, thì nhà tầng trệt tận dụng đất công cộng để che chắn thành không gian riêng.

Ở chung cư Thanh Lộc Đán, phổ biến là kiểu “kéo” dài ra phía sau bằng cách dựng nhà tạm. Trong khi đó, khu G, chung cư Hòa Minh có hẳn một dãy công trình phụ tự phát được xây kiên cố bằng gạch, xi-măng và nằm đè lên phần đất dành cho cống thoát nước.

Cán bộ Đội quy tắc đô thị các khu chung cư trên cho biết, mỗi căn hộ chung cư có diện tích chừng 30 mét vuông, nhưng có đến 3 thế hệ sinh sống. Vì nhà nhỏ, người đông nên họ cơi nới cho tiện sinh hoạt. Thêm vào đó, mặt bằng dân trí tại đây khá thấp. Có gia đình 8 thành viên được mời lên UBND phường ký tên, nhưng tất cả phải điểm chỉ vì không ai trong số đó biết chữ!!

Đập rồi lại xây, chẳng lẽ bó tay!

 

Căn cứ điều 38 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 và Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21-1-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà:

Hành vi đục phá hoặc cải tạo, cơi nới chung cư dưới mọi hình thức, bị phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính như trên, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi; buộc tháo dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm; buộc thực hiện đúng các quy định về sử dụng nhà chung cư.

Mọi sự sửa chữa, xây dựng nhà chung cư đều phải có giấy phép. Trên thực tế, người dân tùy tiện cơi nới, không cần xin phép. Các cơ quan chức năng, cụ thể là Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng và UBND các phường có chung cư nằm trên địa bàn thì hiện vẫn chưa biết rõ trách nhiệm giải quyết thuộc về ai.

 

Ông Nguyễn Hữu Chát, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng cho biết: Muốn dẹp tình trạng cơi nới chung cư, rất cần sự “ủng hộ” của địa phương. Địa phương nào nhiệt tình thì vấn đề này được xử lý nhanh. Nơi nào không tích cực, mọi việc sẽ khó giải quyết. Theo ông Chát, trên nguyên tắc, người dân cơi nới vượt lộ giới cho phép là đã vi phạm việc sử dụng đất công, nên UBND phường có quyền xử lý.

Ngược với quan điểm trên, Đội quy tắc đô thị phường Thanh Khê Tây cho rằng: Cơi nới nhưng vẫn thuộc phần đất dành cho chung cư thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Công ty Quản lý nhà. Nếu cần sự phối hợp của đội, phía Công ty phải có công văn yêu cầu.

Trong khi đó, anh Hồ Văn Năm, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị phường Hòa Minh nói: “Không cần công văn, chỉ cần công ty alô kêu hỗ trợ cưỡng chế nhà cơi nới là chúng tôi sẵn sàng xử lý”. Cũng theo anh Năm, năm 2010, phường Hòa Minh đã buộc tháo dỡ 9 trường hợp nhà chung cư tự ý cơi nới. Đội cũng đã tuyên truyền vận động người dân không cơi nới để bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị. Riêng năm nay hiện chưa xử lý trường hợp nào do chưa phát hiện.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.