Những năm qua, có hơn 500 sinh viên (SV) Lào theo học các chương trình đại học, cao học, tiến sĩ tại 4 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng (Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ và Đại học Sư phạm). Tất cả đều được học tiếng Việt 1 năm, sau đó được đăng ký học bất kỳ ngành nào theo yêu cầu các địa phương của bạn.
Luôn cảm nhận sự ưu ái
Nơi đây, những người con của đất nước Triệu Voi được chăm lo chu đáo cả vật chất và tinh thần. Trong mối quan hệ đặc biệt “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, mảnh đất Đà Nẵng đã ươm trồng, chăm xới bao nhân tài cho xứ sở Triệu Voi. Theo SV Khungkham Vongsavathe (đang học năm cuối tại Trường Đại học Bách khoa), lãnh đạo nhà trường luôn dành những gì tốt nhất, thuận tiện nhất cho SV Lào. Mọi việc học tập, ăn ở, sinh hoạt, SV Lào đều được thầy, cô giáo hết sức quan tâm ưu ái và có nhiều bạn còn được giảng viên dành thời gian phụ đạo riêng.
SV Boungang Syvankham, do lãnh đạo tỉnh Salavan gửi đến học tại Khoa Xây dựng Thủy lợi Thủy điện, Trường Đại học Bách khoa từ năm 2006 tâm sự: Anh đã trải qua 3 kỳ thực tập và đến đâu anh cũng được lãnh đạo đơn vị hết sức quan tâm giúp đỡ. Anh thấy thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo đạt hiệu quả cao và giàu tính nhân văn. Anh tâm nguyện rằng, sau khi tốt nghiệp sẽ ra sức đem những kiến thức được học áp dụng vào thực tế công tác và sẽ cố gắng vận dụng những cách làm hay của Đà Nẵng để góp phần xây dựng quê hương.
Tất cả SV Lào đều học chung chương trình với SV Việt Nam, những bạn có năng khiếu đều được nhà trường trọng dụng. SV Vilaphone Haconchanh, Phó ban Đại diện SV Lào tại Trường Đại học Kinh tế cho biết, SV Lào là nòng cốt trong các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền của nhà trường và những bài hát, điệu múa truyền thống của Lào thường xuyên được trình diễn trong các hoạt động phong trào của nhà trường.
Được sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa, hơn 50 SV Lào đang học tại trường đã tổ chức một chương trình văn nghệ hết sức ấn tượng chào mừng kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chương trình diễn ra như một bữa đại tiệc về ca, múa và trang phục truyền thống của các bộ tộc Lào.
Thắm nồng tình hữu nghị
Ngoài chương trình hợp tác đào tạo của hai Chính phủ, tại Đà Nẵng hiện có 152 SV Lào được UBND thành phố cấp học bổng toàn phần, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập và lưu trú với mức mỗi SV từ 29-32 triệu đồng/năm (đại học 29 triệu, cao học 30 triệu, tiến sĩ 32 triệu). Những SV Lào sang học theo hình thức du học tự túc, khi gặp khó khăn cũng nhận được sự giúp đỡ của thành phố. SV Vilawtchana Phommathep đang học năm thứ 2, tại Trường Đại học Kinh tế theo diện tự túc kinh phí, chẳng may bố qua đời và kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn. Được tin đó, Sở Ngoại vụ lập tức đề xuất với lãnh đạo UBND thành phố bảo trợ toàn bộ chi phí ăn ở, học tập đối với SV này cho đến khi tốt nghiệp. Tại buổi giao lưu “Nhịp cầu Hữu nghị Việt-Lào” mới đây, có 21 SV Lào được Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố trao tặng học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Thanh niên các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn đã tổ chức kết nghĩa với SV Lào ở các trường đại học…
Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, giúp SV hiểu rõ hơn về tình nghĩa thủy chung, trong sáng của hai dân tộc. Nhiều cựu tình nguyện quân tại Lào đã kể lại những chiến công, đóng góp và những hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. SV Lào và SV các trường đại học trên địa bàn thành phố thường xuyên được thông tin về hoạt động hợp tác giữa Đà Nẵng với các tỉnh Nam Lào trong mối quan hệ đặc biệt “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
LÊ VĂN THƠM