Hơn 60 cháu khuyết tật được nuôi tại Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng (nằm trên địa bàn phường Hòa Hải) đều có chung cảm nhận là từ khi được đưa vào đây, các cháu thấy vui vẻ, hòa đồng và không còn tự ti, mặc cảm như trước đây…
Tại phòng dạy cắt may ở Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện. |
Cháu Mai Tính ở phường Hòa Quý bị dị dạng và thiểu năng trí tuệ, vào trung tâm từ năm 2005, được các thầy cô tận tình chăm sóc, chỉ bảo, đến nay đã biết kết cườm trên liễn. Cháu Nguyễn Lệ Phương (ở Hòa Thọ Đông) bị bệnh tự kỷ, sợ tiếp xúc với người khác, hồi còn ở nhà thường ngồi trốn trong xó tối. Vào trung tâm, Phương được các thầy cô ân cần chăm sóc, bệnh tự kỷ đã đỡ nhiều nhưng khả năng tiếp thu rất kém nên cũng được bố trí công việc kết cườm. Nguyễn Văn Hùng, Võ Thanh Hiếu và một nhóm bạn khiếm thị miệt mài với công việc in thủ công. Cháu Nguyễn Thị Diễm đã tự may được áo cho mình và đang cố gắng rèn luyện tay nghề với mong muốn sau này có thể mở một quán may kiếm sống…
Trung tâm nuôi dạy miễn phí các cháu trong độ tuổi từ 15 - 25. Nhiều trường hợp đã quá tuổi, nhưng chưa có khả năng tự lao động kiếm sống thì trung tâm vẫn tiếp tục nuôi. Là mái ấm của lòng nhân ái, mục đích hàng đầu của trung tâm là đào tạo nghề cho các cháu, để đến 26 tuổi, các cháu có thể tìm kiếm, tạo lập phương kế mưu sinh. Thực tế những năm qua, từ trung tâm này đã có không ít trường hợp tìm được việc làm và xây dựng được hạnh phúc gia đình. Em Nguyễn Văn Tĩnh và em Huỳnh Thị Trang đã được tuyển dụng vào làm việc tại Xí nghiệp May Quế Sơn. Hai em Nguyễn Văn Trung ở phường Khuê Mỹ và Đỗ Hoàng Kim ở tỉnh Quảng Ngãi đều bị câm điếc, được trung tâm bố trí học nghề in và nghề may. Lao động hợp lý và môi trường có sự đồng cảm là một phương thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, nhờ đó các em đã không ngừng nâng cao tay nghề và tiến triển tốt trong việc phục hồi chức năng. Trung và Kim đã đến với nhau trong tình yêu và hạnh phúc, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình và xin được việc làm tại một doanh nghiệp…
Mỗi tuần 3 tối, các cháu được học văn hóa ngay tại trung tâm, do sinh viên các trường đại học dạy tự nguyện, còn chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần thì được các tình nguyện viên quốc tế đến dạy tiếng Anh. Dẫu có nhiều cháu tiếp thu rất chậm, nhưng cán bộ, nhân viên nơi đây luôn ân cần động viên khích lệ, thương yêu, bày bảo.
Các cháu được chu cấp ăn ở nội trú và mọi chi phí đều do sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Cán bộ, nhân viên ít, lãnh đạo trung tâm phải xây dựng thêm đội ngũ tình nguyện viên và đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tấm lòng nhân ái. Đặc biệt, bà Valon Xuân Đào, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Xuân tự nguyện nhận cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho các cháu học nghề và thực tập. Ông Hứa Minh Trung ở phường Phước Ninh đều đặn mỗi tuần hai buổi đến đây dạy vẽ miễn phí và coi việc giúp đỡ những cháu tật nguyền này là một niềm vui trong cuộc sống.
Trong vòng tay cưu mang, nuôi dưỡng của những người mẹ hiền nơi đây, nhiều cháu đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, đạt thành tích khả quan trong học chữ, học nghề và trở thành tấm gương sáng về ý chí vượt lên số phận. Tiêu biểu như em Võ Thị Thanh Hằng đã thêu được những bức tranh có giá bán từ 1-2 triệu đồng, em Nguyễn Văn Nam dù cả tai và mắt đều khiếm khuyết, nhưng sử dụng vi tính rất thành thạo, được lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng làm trợ giáo trong một số hoạt động…
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM