.
NHÂN NGÀY TOÀN DÂN HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN (7-4)

30 tuổi - hơn 30 lần hiến máu tình nguyện

.

“Nhiều người cứ băn khoăn hỏi sao lại cho máu nhiều lần đến thế. Bản thân tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, tại sao không? Khi giọt máu của mình có thể cứu sống được sinh mạng con người...”, anh Đội trưởng Đội thanh niên xung kích phường Hòa Khánh Nam tâm sự.

Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm

 

Mô tả ảnh.
Được cho máu đối với anh Hà là niềm vui và hạnh phúc.

Dù không ai bảo, nhưng trong người anh Đỗ Ánh Hà (30 tuổi, tổ 12, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) luôn thường trực chiếc điện thoại và không bao giờ tắt máy. Anh nói, chỉ cần thấy số điện thoại của anh Hòa (cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng) là chuẩn bị tư thế… lên đường đi hiến máu, nhiều khi 21, 22 giờ, thậm chí nửa đêm. Anh Hà cho biết, lúc người ta cần máu của mình là lúc tính mạng của người bệnh đang rất nguy cấp, chỉ cần chậm trễ là hối hận cũng không kịp.

 

Sinh ra trong gia đình có hai chị em, bố mất sớm, mẹ tần tảo sớm hôm may vá để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học. Khổ từ bé, nên chị em Hà rất siêng học và học khá. Năm 17 tuổi, Hà tham gia Hội Chữ thập đỏ phường và “bén duyên” với việc hiến máu. 18 tuổi, với vai trò Bí thư Đoàn phường, Hà làm gương cho đoàn viên bằng việc xung phong hiến máu. “Lần đầu hiến máu, mình cũng hơi run bởi chưa hiểu hết về việc này. Sau thấy sức khỏe không giảm sút mà còn tốt lên nữa, mình vận động các bạn cùng hiến” - Hà cho biết. Sau khi thi đậu và học Trung cấp điện (2 năm), Hà tiếp tục học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khoa cầu đường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học, vừa làm thêm kiếm sống nên anh không thể tham gia vào phong trào Đoàn. Tuy vậy, anh vẫn tham gia hiến máu thường xuyên, một năm 2 - 3 lần trong các đợt hiến máu tình nguyện, và những năm gần đây là thành viên đội hiến máu dự bị của Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Đến bây giờ, anh Hà không nhớ hết đã bao nhiêu người được tiếp nguồn máu của anh và giành lại sự sống. Nhưng khá nhiều người được cho máu thì luôn nhớ đến anh với niềm biết ơn tận tâm can. Có một chị làm kế toán ở trường học, bị sốt xuất huyết nặng, nhờ có những giọt máu của anh Hà mà thoát chết. Sau đó, người chồng đã tìm anh cho bằng được và… giúi vào tay anh một phong bì khá dày kèm một hộp sữa. Mặc cho người chồng nằng nặc bắt nhận, “ân nhân” vẫn kiên quyết chối từ và nói: “Em nhận lon sữa này cho anh vui, còn phong bì thì anh cầm về, nếu nhận thì em không còn là em nữa...”.

Hạnh phúc khi được trả ơn cho đời

Nói về Hà, anh Đoàn Văn Hòa, cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố, cho biết: “Hà là một trong những người tích cực và nhiệt tình nhất của đội hiến máu tình nguyện. Gọi bất cứ khi nào, nếu không ốm đau gì là Hà xung phong đi ngay. Nhờ những thành viên năng nổ này mà lượng máu từ phong trào hiến máu tình nguyện gần như đáp ứng đủ cho nhu cầu máu cấp cứu và điều trị ở các bệnh viện trong thành phố”. Anh Hòa cũng cho biết, anh Hà là một trong số ít những người hiến được tiểu cầu, rất cần cho việc điều trị bệnh. Việc xét nghiệm và chiết tách tiểu cầu phải trải qua nhiều khâu, mất cả buổi, thậm chí cả ngày nên không phải ai cũng chịu tham gia. Người chịu tham gia thì chưa chắc đã được bởi muốn hiến tiểu cầu phải có số lượng tiểu cầu đạt hơn 200.000 trong mỗi mm3 máu.

Không chỉ bản thân hiến máu, anh còn tích cực vận động anh em trong công ty xây dựng do anh vừa lập ra tham gia hoạt động này. Trong công ty có 10 người thì 9 người tích cực hiến máu (một người vì lý do sức khỏe nên không thể hiến). Hơn chục người là bạn thân của anh và các thanh niên trong xóm cũng được anh vận động góp giọt máu cứu người. Bầu máu nóng của anh còn truyền sang cả người vợ trẻ. Chị tích cực ủng hộ và đòi... đi hiến máu với anh. Anh không muốn cho chị đi bởi sức khỏe yếu và chăm con còn nhỏ. Vậy là chị “lén” anh đi hiến máu và sau cái lắc đầu của bác sĩ vì không đủ tiêu chuẩn, chị mới từ bỏ ý định hiến máu. “Động cơ nào khiến anh tham gia hiến máu nhiều lần đến thế” - Tôi hỏi. Anh trầm ngâm: “Cuộc đời đã cho mình nhiều thứ, còn sức khỏe là mình còn mong muốn được cống hiến, trả ơn cho cuộc đời”. Và cũng theo Hà, thì “hiến máu là niềm hạnh phúc được “cho” sau khi đã nhận rất nhiều”.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.