“Từ nay trở đi, các hộ dân trong các dự án chậm thực hiện được xây nhà cấp 4, được tách thửa sau khi chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra và cho phép”. Nội dung trên được quy định trong phần “Những kết luận tại các phiên thảo luận và chất vấn” của Nghị quyết kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố khóa VII.
Một phần nhỏ trong toàn Nghị quyết tại kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ 2004-2011 nhưng lại thổi một luồng sinh khí vào đời sống hàng trăm, hàng nghìn hộ dân thành phố ở những khu dân cư lâu nay luôn thấp thỏm bởi “sống trong vùng quy hoạch”. Đây cũng là kết quả một quá trình bám sát, theo dõi đời sống của nhân dân ở các vùng quy hoạch “treo” của các đại biểu HĐND thành phố và luôn được họ đưa ra diễn đàn các kỳ họp HĐND.
“Tôi thấy có xuống đến nơi để lắng nghe dân và tích cực phản ánh, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của cử tri thì mới đạt được kết quả đó. Chớ lâu ni, các dự án treo miết, dân nói miết rồi cũng rứa. Nhà cửa muốn sửa lại cũng không được, đất rộng muốn tách thửa cho con cái làm nhà cũng không được. Chỉ cần “quyết” một cái là tui xin phép làm được, mà răng cả chục năm trời chẳng nhìn ra để quyết sớm!” - Ông Nguyễn Văn Bình, ở quận Liên Chiểu cho biết. Chính từ đó, theo ông, đừng xem chuyện đi bầu cử đại biểu HĐND thành phố là chuyện bình thường, là cứ gửi phiếu cho ai “gạch” cũng được. Bởi, tìm chọn người mà mình tin tưởng để sau này còn gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng; tìm người gắn bó và hiểu dân để lúc mình cần thì nói một tiếng là họ biết và nghiên cứu để đưa lên diễn đàn của HĐND thành phố. Cũng ông Bình cho biết, đối với các ứng cử viên lâu nay người dân chưa được tiếp xúc và biết đến, thì cần phải đến nghe họ nói cái gì, hứa với dân cái gì trong các cuộc vận động bầu cử mà tìm hiểu, chọn lựa “bỏ lá phiếu cho đúng” - như lời ông nói.
Từ thực tế đó, cho thấy, việc chọn lựa đại biểu HĐND thành phố đã được người dân hiểu rõ hơn và họ mong muốn các đại biểu khi trúng cử, thực thi nhiệm vụ của mình, thì phải như “nhiệt kế” của cử tri. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu HĐND khóa VII cũng đặt lên vai các ứng cử viên vào chức danh này ở khóa mới trọng trách nặng nề hơn. Bởi, các cử tri đã nhìn nhận mặt được cũng như chưa được của đại biểu để hoặc có ý kiến, hoặc “ngầm” đưa ra những tiêu chuẩn khi chọn lựa trong quá trình bầu cử. Nhìn nhận này được ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thể hiện qua đánh giá 7 năm thực hiện nhiệm vụ của đại biểu cũng như HĐND thành phố (khóa VII): “Các vị đại biểu HĐND đều có những hoạt động tích cực; tập thể HĐND thành phố với những hoạt động ngày càng được đổi mới, tăng cường, thường xuyên được đánh giá, rút kinh nghiệm nên hiệu quả hoạt động ngày càng có chất lượng, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố”.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng, có những vấn đề còn phải được cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa như: Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn chậm; một số kiến nghị của dân về quy hoạch, thực hiện và công khai quy hoạch còn nhiều bất cập; tình hình tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra phức tạp... Cử tri còn phản ánh cũng có đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa với nhân dân và cử tri; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với HĐND, với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền... Chính từ đó, các đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ mới được đặt trong tình trạng “phát huy mặt tốt và khắc phục tồn tại” của nhiệm kỳ trước, đáp ứng được yêu cầu trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Cùng với việc lắng nghe, phản ánh nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc cụ thể trong đời sống của cử tri, ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho rằng, các đại biểu HĐND thành phố cũng luôn cần có tầm nhìn để đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, kiến nghị, đưa ra thảo luận và biểu quyết những quyết sách đột phá, táo bạo và hiệu quả nhằm làm cho Đà Nẵng ngày càng phát triển năng động hơn. “Các ứng cử viên được cơ cấu, phân bổ theo thành phần, nhưng không có nghĩa họ chỉ hoạt động trên lĩnh vực “thành phần” đó, chỉ quan tâm đến lợi ích một bộ phận cử tri ở nơi mình vận động bầu cử, ở nơi mình được phân công hoạt động theo tổ đại biểu sau khi trúng cử... mà phải có cái tâm và cái tầm bao quát, vì sự phá triển chung của thành phố” - Ông Quốc Linh đề nghị.
Từ những kiến nghị đó của cử tri, hứa hẹn cuộc bầu cử sắp tới sẽ sôi động hơn và quyền chọn lựa của cử tri được thể hiện sáng suốt hơn.
Bài và ảnh: ANH QUÂN