.

Phòng mạnh mẽ, chống quyết liệt

.
“Năm 2011, thành phố sẽ tập trung các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ và chống quyết liệt hơn nữa các hành vi tham nhũng”, ông Nhật Thành, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (PCTN) thành phố Đà Nẵng khẳng định tại buổi họp giao ban giữa các sở, ban, ngành, Thanh tra thành phố, quận, huyện về nhiệm vụ công tác PCTN năm 2011, diễn ra ngày 8-4.

Mô tả ảnh.
Ngày 16-3-2011, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký quyết định đồng ý tổ chức giao ban chuyên đề về công tác PCTN 3 tháng một lần. TRONG ẢNH: Buổi giao ban về PCTN quý 1 năm 2011.
 
Phòng hơn là chữa

Để xảy ra một vụ việc tham nhũng, phải xử lý một cá nhân, tập thể tham ô, hối lộ là một nỗi đau không chính quyền nào muốn vướng vào. Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của công tác PCTN ở Đà Nẵng chính là phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi có những biểu hiện, những hành vi manh nha có thể dẫn đến tham nhũng. Một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác PCTN. Ông Đàm Văn Hòe, Phó Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Việc tuyên truyền về PCTN phải hướng vào hai đối tượng. Một là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt - những người dễ có nguy cơ và điều kiện tham nhũng.
 
Phải tập trung tuyên truyền, giáo dục để những đối tượng này nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc PCTN và không phạm phải hành vi này nếu có điều kiện thuận lợi tiếp sức. Đối tượng khác cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức là cán bộ, công chức, người dân vì họ dù không có điều kiện để tham nhũng nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng”. Nếu trong một cơ quan, đơn vị mà lãnh đạo tham nhũng thì quyền lợi của nhân viên nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Ông Nhật Thành nhấn mạnh: “Chống tham nhũng để giữ cho cơ quan trong sạch và quyền lợi của nhân viên sẽ được bảo đảm”.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo PCTN thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa vi phạm như chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của từng đơn vị; tiến hành việc kê khai tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện các quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp… Trong công tác phòng ngừa, thành phố quan tâm đến việc thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Đây là những đối tượng có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành để không xảy ra tham nhũng trong cơ quan mình nhưng cũng là người dễ mắc phải sai phạm này. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của xã hội đối với việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng cũng rất quan trọng. Một khi nhận thức của xã hội về PCTN được nâng cao, người dân hiểu rõ hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc tố cáo tham nhũng hoặc nắm bắt được cơ chế bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi tố giác tội phạm thì sẽ hợp tác tích cực hơn với các cơ quan chức năng. Thông tin hai chiều từ phía cơ quan PCTN và người dân sẽ được hỗ trợ thường xuyên, tạo thuận lợi cho việc phát hiện và ngăn chặn hành vi tham nhũng nếu xảy ra.

“Bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, đúng pháp luật”

Đây chính là phương châm làm việc của những người đảm trách nhiệm vụ PCTN. Bởi họ cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, xây dựng kế hoạch xác minh cụ thể, đồng thời, phải tự tin và bản lĩnh khi đối diện với những đối tượng nghi vấn và quan trọng hơn cả là giải quyết công việc đúng trình tự, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, “tội phạm tham nhũng bây giờ thường có chức, có quyền, liên kết với nhau, bao che cho nhau nên rất khó phát hiện. Chỉ khi nào việc tranh chấp quyền lợi nội bộ xảy ra thì mới thấy được hành vi tham nhũng. Người tố cáo do e ngại, chưa tin tưởng vào vai trò của cơ quan PCTN và các cơ quan quản lý Nhà nước nên cần thiết phải tạo một môi trường thân thiện, gần gũi, dễ gặp gỡ để họ có thể bộc bạch, phản ánh về hành vi tham  nhũng mà không lo sợ bị trả thù hoặc lộ bí mật về danh tính”, ông Nhật Thành cho biết thêm.
 
Sự tự tin, bản lĩnh, dũng cảm vì thế cũng rất cần thiết đối với người tố giác hành vi tham nhũng. Sợ bị trả thù, sợ liên lụy đến công việc, đến miếng cơm manh áo hằng ngày nên không ít người thấy sai phạm nhưng không đủ dũng cảm tố cáo. Chính vì thế, yêu cầu cần thiết đối với cơ quan PCTN của thành phố là tuyên truyền để người dân hiểu rằng họ đang có chỗ dựa để bảo vệ chứ không đơn độc trên trận chiến chống lại những “con sâu” đang làm hỏng bộ máy chính quyền bằng hành vi tham ô, hối lộ…

Theo ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố thì việc tuyên truyền Luật PCTN những năm qua đã tạo những “đường may” cơ bản để nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt của thành phố, giúp họ nắm bắt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PCTN. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, không phải lúc nào hành vi tham nhũng cũng bị xử lý đúng với mức độ vi phạm. Một số vụ việc chuyển xử lý hành chính nhưng nếu tính mức độ thiệt hại gây ra thì có thể xem xét, chuyển sang hình sự. Điều này cho thấy, phát hiện tham nhũng là một chuyện nhưng cũng cần phải có cách xử lý đúng pháp luật, đúng mức độ vi phạm, làm sao đủ sức răn đe, giáo dục để tránh những sai phạm tương tự có thể xảy ra.

Lâu nay ai cũng hiểu tham nhũng là hành vi gây nguy hại đến sự phát triển ổn định của hệ thống chính trị nhưng chặng đường đấu tranh chống lại thì vô cùng cam go, phức tạp. Tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, lúc phát hiện ra thì hậu quả để lại không những ảnh hưởng đến bộ máy chính quyền mà còn làm mất lòng tin của dân. Việc thành phố quyết liệt tuyên chiến với hành vi tham nhũng là điều đáng mừng nhưng nếu làm tốt khâu phòng ngừa, ngăn chặn thì sẽ giảm thiệt hại về kinh tế, về uy tín chính trị và người dân nhìn kết quả đó mà tin tưởng hơn vào hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ máy cơ quan công quyền.

Bài và ảnh: M.H
 
;
.
.
.
.
.