.

Quận Ngũ Hành Sơn: Tập trung công tác cán bộ

.

Đối với quận Ngũ Hành Sơn, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ là một yêu cầu quan trọng nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ kết quả kiểm tra, giám sát hằng năm, quận có sự bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực và yêu cầu thực tế. Qua đó, vừa phát huy các mặt tích cực của từng cá nhân, vừa tạo nên một bộ máy chính trị - hành chính hoạt động hiệu quả.

 

Mô tả ảnh.
Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ để sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm đúng với năng lực và yêu cầu thực tế.
TRONG ẢNH: Cán bộ, công chức phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Từ đầu năm 2010 trở lại đây, việc kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở quận Ngũ Hành Sơn có sự hậu thuẫn lớn nhờ thực hiện Quyết định 219 của UBND quận về “Quy định kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các tổ chức chính trị, chính trị xã hội; các phòng, ban, đơn vị và địa phương thuộc quận Ngũ Hành Sơn”. Quy định này là một trong những văn bản hành chính quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để quận tiến hành các nội dung kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác cán bộ.

 

Ông Huỳnh Đức Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết: “Năm 2010, chúng tôi đã kiểm tra đột xuất một số cơ quan, đơn vị và các phường về việc thực hiện Quyết định 219 của UBND quận. Qua đó, phát hiện một số cán bộ không chấp hành đúng kỷ luật, kỷ cương hành chính, không thực hiện đúng nội quy về thời gian làm việc tại công sở. Ngoài ra, qua kiểm tra, giám sát cũng phát hiện trường hợp cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chuyên môn. Trường hợp này, chúng tôi có ý kiến kiến nghị và sau đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành kỷ luật về mặt Đảng và luân chuyển cán bộ này sang vị trí khác phù hợp hơn”.

Theo ông Chiến, năm 2011, công tác kiểm tra, giám sát ở quận tiếp tục bám sát với nội dung Quyết định 219. Trong đó, chú trọng giám sát ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, làm sao hạn chế, không để xảy ra tình trạng cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Đối với quận Ngũ Hành Sơn, việc cán bộ, công chức, viên chức chấp hành đúng kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng là cơ sở quan trọng để có sự luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng phù hợp.

Hiện nay, giữa UBKT và Ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã có Quy chế phối hợp trong công tác cán bộ. Theo đó, mỗi khi bàn thảo về công tác nhân sự, hai bên cùng ngồi lại, trao đổi, xem xét các tiêu chuẩn về chuyên môn, phẩm chất đạo đức… Từ danh sách nhân sự dự kiến, UBKT Quận ủy có sự thẩm tra kỹ lưỡng về đạo đức, các mối quan hệ với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng xã hội và trên cơ sở kết quả thu được mà đánh giá cán bộ một cách chính xác. “Có những trường hợp phải “bí mật nuôi dưỡng” cán bộ”, ông Chiến cho biết. Trên thực tế, một số người thuộc diện cán bộ nguồn nhưng chưa được bổ nhiệm thì UBKT Quận ủy có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Nếu cán bộ hoàn thành trách nhiệm trong công việc, có phẩm chất đạo đức và lối sống tốt thì sẽ tiếp tục đề nghị bổ nhiệm, luân chuyển sang vị trí phù hợp hơn. “Có khuyết điểm thì kiên quyết kiến nghị đưa ra khỏi diện cán bộ nguồn hoặc nếu chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục luân chuyển về cơ sở.

Công tác cán bộ cũng giống như trồng cây, phải chăm bón, vun trồng thì mới có thành quả tốt. Nếu qua kiểm tra, giám sát mà thấy cán bộ đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tế thì chúng tôi mạnh dạn đề nghị sử dụng, bổ nhiệm”, ông Chiến nhấn mạnh.

Thời gian qua, sự phối hợp đồng bộ giữa Ban Tổ chức, UBKT Quận ủy và các đơn vị liên quan đã giúp cho lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn lựa chọn nhân sự có chất lượng vào các vị trí quan trọng trong tổ chức chính trị và các phòng, ban chuyên môn của Quận ủy, UBND quận. Theo ông Chiến, một khi bố trí người làm được việc, nhận được nhiều tiếng khen thì người làm công tác kiểm tra cũng thấy vui sướng vì đã làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, chính quyền địa phương. Tuy vậy, cũng có trường hợp bổ nhiệm, sử dụng cán bộ chưa hiệu quả hoặc cán bộ đã bổ nhiệm nhưng chững lại, không phát triển hoặc không có chí phấn đấu thì UBKT cũng phải vào cuộc.

Trường hợp này cũng đã từng xảy ra và UBKT buộc phải lên tiếng, gặp gỡ trực tiếp cán bộ để nhắc nhở, điều chỉnh, giúp họ nhận ra khuyết điểm để khắc phục và làm việc tốt hơn. Điều quan trọng là người làm kiểm tra, giám sát phải có tâm, phải bản lĩnh, tâm huyết với công việc để giám sát cán bộ chặt chẽ, kịp thời phát hiện sai phạm, giúp cho chính quyền địa phương lựa chọn, sử dụng, bố trí và luân chuyển cán bộ phù hợp với yêu cầu công việc hiện nay và cống hiến một cách hiệu quả cho sự phát triển của quận trước mắt cũng như lâu dài.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.