.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế

.
Trong hai ngày 18 và 19-4, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Quốc hội với yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) với mục đích trao đổi, thảo luận việc hoàn thiện pháp luật về các  thị trường và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô nhằm hướng đến tối đa hóa hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nâng cao năng lực thể chế kinh tế - tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Mô tả ảnh.
Quang cảnh hội thảo.  Ảnh: M.H
 
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu lập pháp, lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế ở Việt Nam của Quốc hội khóa XII đạt nhiều kết quả quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về hình thức, các văn bản quy phạm pháp luật từ bộ luật, đạo luật cho đến các văn bản dưới Luật đã hình thành tương đối hoàn chỉnh với quy trình ban hành dân chủ, minh bạch hơn. Về nội dung, đã điều chỉnh được hầu hết các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế dân sự. Pháp luật đã tạo môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển, huy động được nguồn vốn FDI, bước đầu phân biệt doanh nghiệp Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích với doanh nghiệp thương mại…
 
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho rằng, tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nội dung điều chỉnh các quan hệ kinh tế - dân sự chưa hình thành rõ nét nên đã góp phần làm nảy sinh những biểu hiện tiêu cực trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - dân sự còn lúng túng, lẫn lộn trong việc sử dụng mệnh lệnh quyền uy của quản lý Nhà nước với sự điều tiết của thị trường bằng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp đến kế thừa và tiếp tục phát huy những thành tựu trong hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XII, hội thảo lần này thảo luận các giải pháp làm sao hoàn thiện pháp luật bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
 
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về các thị trường (thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…), các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, về thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, thuế, chính sách pháp luật về kinh tế - tài chính; hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội… Những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tại hội thảo lần này sẽ góp phần nhận diện rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong hoạt động lập pháp. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất thiết thực nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian đến.

M.H
;
.
.
.
.
.