.

Trách nhiệm người đại diện của dân

.

Sau nhiệm kỳ 7 năm (2004-2011), những đại biểu HĐND thành phố khóa VII đã thể hiện vai trò người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ra sao? Và vai trò đó đã giúp ích gì cho sự phát triển của thành phố? Đây là những câu hỏi đặt ra khi nhìn lại chặng đường 7 năm làm việc của những người đại biểu mà nhân dân đã tín nhiệm bầu ra và kết quả này cũng là tiêu chí để tiếp tục chọn lựa các đại biểu HĐND thành phố khóa VIII sắp đến.

 

Mô tả ảnh.
Thường trực HĐND thành phố giám sát việc thi công Cung thể thao Tiên Sơn.

 

Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đại biểu HĐND thành phố trong quá trình đảm nhiệm vị trí người đại diện của nhân dân. Thông qua vai trò giám sát, mỗi đại biểu HĐND không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Ông Thái Thanh Hùng, đại biểu HĐND thành phố giãi bày: “Yêu cầu về giám sát và phản biện của đại biểu HĐND là rất lớn. Tôi thấy HĐND thành phố đã làm nhiều việc nhưng thật sự vẫn chưa đáp ứng hết nguyện vọng của người dân. Địa bàn Đà Nẵng không rộng, nếu các đại biểu HĐND tích cực sâu sát cơ sở thì có thể nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân và phản ánh kịp thời lên HĐND thành phố”.

Trên thực tế, trong suốt 7 năm qua, cùng với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND đã tham gia nhiều đợt giám sát tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. Chính từ những cuộc giám sát này, đại biểu HĐND thành phố xem xét kết quả thực thi nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và từ đó, có những ý kiến chất vấn, tìm hiểu về hiệu quả công việc cũng như thay mặt người dân nêu lên những vấn đề vướng mắc tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của thành phố. Đóng góp của đại biểu HĐND thành phố thông qua các buổi giám sát chủ yếu tập trung vào những vấn đề mà đại biểu phát hiện. Từ đó, có những kiến nghị đến Thường trực HĐND, các cơ quan liên quan để có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND thành phố, hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Nguyên nhân do lực lượng giám sát mỏng, đa số thành viên trong Ban hoạt động kiêm nhiệm nên chưa đầu tư nhiều công sức, trí tuệ vào việc thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Trong khi đó, đối với HĐND cấp xã theo ông Đặng Công Ngưu, Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang thì đại biểu HĐND xã là cán bộ ở thôn chiếm tỷ lệ khá đông nên dễ đi sâu đi sát cơ sở, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân. Từ đó, đại biểu HĐND xã có những ý kiến kiến nghị kịp thời lên cấp ủy, UBND xã và có điều chỉnh phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, HĐND xã sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về từng vấn đề cụ thể để chính quyền các cấp theo đó mà thực hiện. Ông Đặng Công Ngưu cho biết: “Xã Hòa Phong hiện có 7 tổ HĐND.

Trước mỗi kỳ họp, chúng tôi đều tổ chức tiếp xúc cử tri để lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chủ yếu tập trung các vấn đề về môi trường, đời sống kinh tế, an ninh trật tự. Đến cuối nhiệm kỳ này, qua phân loại có 25 trong tổng số 32 đại biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tuy nhiên, ông Đặng Công Ngưu cũng thừa nhận, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đại biểu HĐND cấp xã. Một số ít người cho rằng, vai trò của HĐND xã bớt phần quan trọng so với trước nên có vẻ chểnh mảng trong việc thực thi trách nhiệm người đại biểu của dân. Trường hợp này chỉ là thiểu số nhưng cũng tác động phần nào đến hiệu quả hoạt động của HĐND xã.

So với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ HĐND thành phố khóa VII đã đổi mới cách thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND cũng như đại biểu HĐND tại các kỳ họp và trong hoạt động giám sát. Đây cũng là một trong những kênh quan trọng để người dân nhìn vào đó mà đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu. Từ cách đặt vấn đề, đưa ra tranh luận tại các kỳ họp của mỗi đại biểu, người dân phần nào thấy được tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết của người đại biểu nhân dân đối với việc phát triển thành phố. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là có đại biểu HĐND rất ít tham gia vào các cuộc chất vấn, giám sát hoặc thảo luận tại nghị trường HĐND. Thậm chí việc tham dự các kỳ họp HĐND thành phố cũng không đầy đủ và chỉ có mặt cho có chứ không tích cực phát biểu ý kiến giúp cho HĐND đưa ra những quyết sách phù hợp. Một vài đại biểu HĐND vẫn còn e dè, ngại va chạm nên không đi đến tận cùng vấn đề, không dám đấu tranh để chất vấn, làm rõ vấn đề đang vướng mắc. Điều này, khiến cho lòng tin của nhân dân vào vai trò của đại biểu HĐND suy giảm.

Với đông đảo cử tri thành phố, đại biểu HĐND phải luôn gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Trên nghị trường, đại biểu phải phản ánh những vấn đề còn tồn đọng, bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Và trong thời gian đến, khi lựa chọn đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (2011-2016), người dân cũng sẽ đặt vào đó nhiều niềm tin và kỳ vọng, mong sao đại biểu do mình bầu ra là người có tâm, có tài, có đức. Để rồi, trên các diễn đàn chính trị, đưa tiếng nói của dân đến với những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của dân và thể hiện năng lực điều hành, vai trò người đại biểu nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.