Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn hướng dẫn công tác tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Theo đó, thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri được tiến hành từ ngày 3-5 đến hết ngày 18-5.
Quá thời gian trên, người ứng cử có thể thực hiện các hình thức vận động bầu cử khác theo quy định của pháp luật đến hết ngày 20-5 theo hướng tạo điều kiện để những người ứng cử được tiếp xúc cử tri càng nhiều cuộc càng tốt.
Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tiếp xúc cử tri ít nhất là 10 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử.
Công văn nêu rõ: Hội nghị cử tri thuộc địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) thì giao cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trước buổi tiếp xúc, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo về địa điểm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị để đông đảo cử tri có điều kiện đến dự, tránh tình trạng chỉ mời một số “cử tri đại diện”; đồng thời phối hợp đảm bảo tốt về an ninh trật tự tại các địa điểm tiếp xúc. Thông báo rộng rãi trên đài phát thanh, truyền hình địa phương để nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tổ chức hội nghị với những người ứng cử để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị cử tri.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý đến các đơn vị thành viên tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng phải tuân thủ những mục đích, yêu cầu như quy định tại Điều 12 Nghị quyết 1020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.
Về công tác nhân sự đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổng số đại biểu cấp tỉnh được bầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 3.832 đại biểu, cấp huyện là 20.785 đại biểu (thống kê của 62/63 tỉnh, thành phố), cấp xã là 273.433 đại biểu (thống kê của 60/63 tỉnh, thành phố).
Các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã trình Chính phủ phê chuẩn 3.832 đại biểu của 1.045 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành bước bốn của quá trình hiệp thương lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Thời gian hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo quy định của pháp luật chậm nhất là ngày 10-4.
Theo ước tính của 63 tỉnh thành phố, dự kiến thành lập khoảng 93.800 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.
(Theo Vietnam+)